Contents
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser Femtosecond là gì?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser Femtosecond (có tên gọi đầy đủ là phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể điều trị tật khúc xạ bằng tia laser – ReLACS), là phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể tân tiến sử dụng công nghệ chiếu tia laser femtosecond trên từng công đoạn cụ thể của quá trình phẫu thuật nhằm mang lại độ chính xác cao so với phương pháp dùng công cụ phẫu thuật bằng tay truyền thống.
Quy trình phẫu thuật ReLACS
Quy trình phẫu thuật ReLACS sẽ bao gồm 3 bước cơ bản sau:
- Tạo vết rạch trên giác mạc
- Mở bao trước
- Loại bỏ thủy tinh thể bị đục và đặt thấu kính nội nhãn
Mỗi bước này sẽ làm tăng thêm độ chính xác, tỉ mỉ và khả năng phục hồi của mắt, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser có thể giảm một số rủi ro nhất định và cải thiện kết quả thị lực nhanh chóng. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể từng bước của quá trình phẫu thuật nhé.
Bước 1: Tạo vết rạch trên giác mạc

Chụp cắt lớp quang học (viết tắt là OCT) giúp bác sĩ xác định vị trí và chiều sâu của đường rạch khi phẫu thuật đục thủy tinh thể với tia laser. Chụp OCT cho hình ảnh cắt ngang và có độ phân giải cao để phẫu thuật được chính xác nhất có thể.
Bước đầu tiên của phẫu thuật đục thủy tinh thể là tạo vết rạch trên giác mạc.
Đối với phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể truyền thống
Theo phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể truyền thống, bác sĩ sử dụng dụng cụ cầm tay là dao mổ để rạch một đường tại vị trí giao giữa giác mạc và củng mạc (tròng trắng của mắt). Đường rạch giúp bác sĩ tiếp cận với vùng bên trong mắt để phá vỡ và loại bỏ nhân thủy tinh thể bị đục (thủy tinh thể tự nhiên có vị trí nằm ngay sau đồng tử mắt).
Sau khi loại bỏ hết nhân thuỷ tinh thể bị đục ra ngoài qua vết rạch, các bác sĩ sẽ đặt một thấu kính nội nhãn (IOL) vào trong mắt để thay thế cho phần thủy tinh thể tự nhiên đã bị loại bỏ. Vết rạch trên giác mạc được thực hiện một cách cẩn thận để nó tự liền lại hoàn toàn sau phẫu thuật mà không cần dùng chỉ khâu.
Đối với phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser
Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser, bác sĩ phẫu thuật sẽ lập trình chính xác cho đường rạch giác mạc thông qua ảnh 3D có được từ chụp cắt lớp quang học (OCT)Chụp cắt lớp quang học: Là một phương pháp dùng sóng ánh sáng để chụp ảnh cấu trúc bên trong mắt, từ đó các bác sĩ có thể biết chính xác thông số của mắt để lập trình cho máy tính thực thi phẫu thuật cắt giác mạc tự động, chứ không cần dùng dao mổ nữa. OCT viết tắt của từ Optical Coherence Tomography, dịch là Chụp cắt lớp quang học..
Mục đích là để tạo đường rạch với vị trí, độ sâu và độ dài cụ thể cho từng bệnh nhân. Nhờ có sự hỗ trợ của hình ảnh OCT và tia laser femtosecond được lập trình trước, quá trình tạo vết mổ có thể được diễn ra nhanh chóng và chính xác, không phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật như trong phương pháp mổ bằng tay.
Tính chính xác là ưu điểm lớn nhất của phương pháp phẫu thuật bằng laser này. Điều này thực sự rất quan trọng bởi vì nó không chỉ quyết định đến quá trình tự phục hồi của vết mổ mà còn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt hậu phẫu thuật.
Bước 2: Mở bao trước thủy tinh thể

Thủy tinh thể tự nhiên của mắt có một lớp màng mỏng bao phủ bên ngoài và trong suốt gọi là bao thủy tinh thể. Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, một phần bao phía trước sẽ bị loại bỏ (gọi là thủ thuật mở bao trước-anterior capsulotomy). Bước này cho phép bác sĩ tiếp xúc trực tiếp vào phần nhân thủy tinh thể bị đục bên trong.
Phần còn lại của vỏ bao cần được giữ nguyên (tránh bị phá hỏng) trong suốt quá trình phẫu thuật; vì phần vỏ bao còn lại (chủ yếu là phần bao sau) có chức năng giữ cho thủy tinh thể nhân tạo được cố định trong suốt phần đời còn lại của bệnh nhân.
Với phẫu thuật đục thủy tinh thể truyền thống, bác sĩ sẽ tạo một vết mở vỏ bao bằng một cây kim nhỏ, sau đó dùng cây kim đó hoặc dùng kẹp forceps để xé vỏ bao trước để tạo thành một mảng rách hình tròn.
Tuy nhiên trong phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser, thì thủ thuật mở bao trước sẽ được thực hiện bằng tia laser femtosecond (loại tia laser giống như trong phẫu thuật mắt bằng LASIK). Phương pháp mở bao trước bằng tia laser có độ chính xác cao hơn, mức độ phục hồi thị lực của bệnh nhân cũng nhanh hơn đáng kể. Hơn thế nữa, nhờ có tính chính xác mà bác sĩ có thể đặt thấu kính nội nhãn vào đúng vị trí trung tâm của trục mắt, giúp bệnh nhân có thị lực sau mổ tốt hơn phương pháp mổ Phaco truyền thống.
Bước 3: Loại bỏ nhân thủy tinh thể và đặt thấu kính nội nhãn

Sau khi mở bao trước, bác sĩ tiếp cận sâu hơn với lớp bên trong để loại bỏ nhân thủy tinh thể bị đục.
Trong phẫu thuật Phaco truyền thống, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị sóng siêu âm vào (qua một vết rạch đã tạo ở bước 1) để tán vỡ nhân thủy tinh thể bị đục. Trong suốt quá trình phẫu thuật PhacoPhaco hay tên đầy đủ Phacoemulsification: là phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể truyền thống, bằng cách sử dụng một thiết bị có đầu kim loại (gọi là đầu phaco) phát ra sóng siêu âm nhằm tán nhuyễn nhân thủy tinh thể bị đục, sau đó dùng một dụng cụ nhỏ như cây kim để hút các mảnh nhân thủy tinh thể ra ngoài. Đọc thêm về bài viết về phẫu thuật đục thủy tinh thể tại đây., năng lượng sóng siêu âm có thể tỏa ra nhiệt và khi nhiệt bị tích tụ ở vết rạch có thể gây bỏng và điều này ảnh hưởng không tốt đến kết quả thị lực, chẳng hạn bệnh nhân có thể bị loạn thị sau mổ. Ngoài ra vết rạch bị bỏng cũng gây nguy cơ gỉ mắt, hoặc bác sĩ sẽ phải khâu vết rạch lại cẩn thận.
Trong khi đó, phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser femtosecond có nhiều điểm ưu việt hơn Phaco truyền thống:
- Thứ nhất, tia laser femtosecond sẽ giúp làm mềm thủy tinh thể và chia tách thủy tinh thành những mảnh nhỏ hơn. Khi nhân thủy bị chia tách thành những mảnh nhỏ mềm hơn, thì quá trình tán nhỏ và loại bỏ các mảnh vụn bằng đầu Phaco sau đó sẽ dễ dàng và tốn ít năng lượng hơn, giảm nguy cơ gây bỏng vết rạch khi có nhiệt tỏa ra.
- Thứ hai, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser còn làm giảm nguy cơ gây vỡ phần vỏ bao còn lại (một phần vỏ bao trước và toàn bộ vỏ bao sau). Vỏ bao thủy tinh thể vốn mỏng như bóng kính, phần vỏ bao còn lại phải được đảm bảo nguyên vẹn để có thể giữ thấu kính nội nhãn ở đúng vị trí, từ đó giúp thị lực bệnh nhân sáng rõ và hạn chế các vấn đề về mắt phát sinh sau phẫu thuật.
- Ngoài ra trong phẫu thuật bằng tia laser, nhu cầu năng lượng sóng phaco giảm đi thì cũng đảm bảo an toàn cho mắt hơn, giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như bong võng mạc.
Sau khi loại bỏ nhân đục thủy tinh thể, bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một thấu kính nội nhãn (IOL) vào trong bao và điều chỉnh cho phù hợp với mắt bệnh nhân. Thấu kính nội nhãn thì có nhiều loại như đơn tiêu hay đa tiêu cự, thấu kính có điều chỉnh loạn thị hay không. Và điều này bác sĩ cũng đã tư vấn cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Kết hợp điều trị loạn thị trong khi phẫu thuật đục thủy tinh thể
Nếu mắt bạn bị loạn thị thì bác sĩ thường sẽ kết hợp điều chỉnh loạn thị trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể. Điều này giúp bạn sẽ không phải phụ thuộc vào kính gọng hay kính đọc sau khi phẫu thuật (nếu có thì không đáng kể).

Loạn thị thường có nguyên nhân là do giác mạc có hình dạng méo mó hoặc bị uốn cong một cách bất thường. Hay nói cách khác, giác mạc có một đường kinh tuyến bị uốn cong hơn so với các đường kinh tuyến khác, khi đó giác mạc có hình quả bóng bầu dục thay vì hình quả bóng tròn.
Để giảm loạn thị, các bác sĩ có thể tạo ra các vết rạch nhỏ nằm trên các đường kinh tuyến ở vùng chu biên của giác mạc- chỗ giác mạc bị cong nhiều hơn. Khi các vết rạch liền lại, kinh tuyến này sẽ phẳng ra để tạo cho giác mạc có hình dạng tròn và cân xứng hơn.
Quy trình này được gọi là Rạch giác mạc chu biên điều trị loạn thị LRI (LRI viết tắt của: Limbal Relaxing Incision hay còn được gọi là AK – astigmatic keratotomy). Bác sĩ có thể thực hiện LRI hoặc AK bằng tay với dao kinh cương, cách này khá hiệu quả để chữa loạn thị.
Suốt quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser, hình ảnh OCT có thể được sử dụng để lập kế hoạch chính xác cho vị trí, chiều dài và độ sâu của đường rạch LRI hoặc AK. Điều này làm cải thiện độ chính xác cho quy trình chữa loạn thị và khả năng bệnh nhân có thị lực tốt mà không cần đeo kính sau phẫu thuật.
Các loại máy cần dùng cho ca phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser
Một số thiết bị hiện đại có thể được sử dụng trong quá trình mổ đục thủy tinh thể bao gồm:
-
LenSx
Hệ thống máy phẫu thuật bằng tia laser femtosecond LenSx có cổng nhập thông số laser ở bên trái, cần kiểm soát và màn hình OCT ở bên phải cho phép bác sĩ điều khiển mọi thông tin quan trọng trong suốt quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Hệ thống LenSx (của hãng Alcon) được dùng cho các thủ thuật như tạo đường rạch giác mạc, mở bao trước và tán nhuyễn nhân thủy tinh thể.
-
LensAR

Hệ thống Laser LensAR (của hãng LensAR, Inc) được dùng cho các đường rạch giác mạc, thủ thuật mở bao trước và phân mảnh thấu kính đục thủy tinh thể. Tương tác thực tế ảo AR là công nghệ hình ảnh trực quan độc quyền của hãng, giúp thu thập dữ liệu sinh trắc học và sau đó tái tạo thành mẫu hình ảnh 3D tinh vi rất hữu ích trong việc giải phẫu mắt cho từng bệnh nhân.
-
Victus

Nền tảng tia laser femtosecond Victus (hãng Bausch + Lomb) cũng được dùng cho các đường rạch giác mạc, thủ thuật mở bao trước và phân tán cườm khô (thủy tinh thể bị đục) bằng tia laser. Hệ thống Victus mang đặc điểm của công nghệ trạm nối tiên tiến độc quyền làm giảm thiểu khả năng bị nghiêng hoặc biến dạng của mắt trong quá trình phẫu thuật.
-
Femto LDV

Hệ thống tia laser femtosecond LDV Femto (của hãng Ziemer Ophthalmic) có tỷ lệ lặp lại các tia laser cao, giúp thúc đẩy quá trình tán nhuyễn thủy tinh thể nhanh hơn, tia laser năng lượng thấp giúp việc chữa trị nhẹ nhàng hơn, và các đốm laser overlapping chồng chéo cho độ chính xác cao hơn.
Tất cả các máy phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser này đều cho kết quả cao trong những lần triển khai thực nghiệm. Việc bác sĩ sẽ chọn loại tia laser nào trong khi mổ sẽ tùy vào kinh nghiệm cá nhân, đặc điểm cụ thể của mắt bệnh nhân và một số yếu tố khác. Nhưng quan trọng hơn vẫn là kỹ năng của bác sĩ sẽ quyết định chính đến khả năng thành công của ca phẫu thuật. Vì thế bạn nên chọn bác sĩ có tay nghề cao để thực hiện phẫu thuật cho mình nhé.
Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser

Hiện nay kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser khá mới mẻ ở Việt Nam cho nên vẫn chưa có bảng giá cụ thể.
Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser thường cao hơn chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng Phaco truyền thống (giao động từ 4.5-5 triệu VND/ một mắt). Các chi phí phát sinh thêm đi kèm với phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser không được bao gồm trong bảo hiểm y tế.
Phí phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser cũng khác nhau giữa các bác sĩ phẫu thuật. Do đó, bạn cần hỏi rõ bác sĩ chi tiết các chi phí trong phẫu thuật từ lúc tư vấn và kiểm tra trước phẫu thuật.
Cân nhắc các lợi ích và hoàn cảnh tài chính của bạn
Công nghệ phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser khá tốn kém và cần được kiểm tra sử dụng trong hoàn cảnh kinh tế của bạn sao cho phù hợp.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng Phaco truyền thống cũng rất hiệu quả và thành công. Hầu hết mọi người không muốn trả thêm tiền để phẫu thuật tia laser vì họ cảm thấy tự tin với phương pháp truyền thống sẽ mang lại kết quả tốt và tỷ lệ thành công rất cao (99%).
Trong trường hợp bạn muốn dùng công nghệ tốt nhất và tài chính cho phép thì phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser là lựa chọn chính đáng. Các đường rạch giác mạc chính xác hơn, thủ thuật mở bao trước và chữa loạn thị có thể giúp bạn không phải phụ thuộc vào kính mắt sau khi phẫu thuật.
Để có sự lựa chọn tốt nhất liệu có nên sử dụng phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng tia laser hay không, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ tư vấn về công nghệ này vào buổi kiểm tra trước phẫu thuật nhé. Chúc bạn có một đôi mắt khỏe mạnh!