Nhiễm trùng mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng nghiêm trọng về thị lực. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Vậy, nhiễm trùng mắt là gì và nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Hãy cùng Eyelight Việt Nam tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây
Contents
Bệnh nhiễm trùng mắt là gì?

Nhiễm trùng mắt là một tình trạng xảy ra khi các vi sinh vật có hại, chẳng hạn như vi khuẩn, nấm và vi rút xâm nhập vào bất kỳ phần nào của nhãn cầu hoặc các vùng xung quanh nhãn cầu. Những vùng này thường bao gồm bề mặt phía trước của mắt (giác mạc) và lớp màng ẩm mỏng lót bên ngoài mắt và mí mắt trong (kết mạc).
Các triệu chứng của nhiễm trùng mắt

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh nhiễm trùng mắt bao gồm:
- Đỏ mắt
- Đau mắt
- Tiết dịch mắt
- Chảy nước mắt
- Khô mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Sưng mắt
- Sưng quanh mắt
- Ngứa mắt
- Mờ mắt
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, tốt nhất bạn nên đến khám bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc cố gắng tự chẩn đoán tình trạng bệnh có thể làm trì hoãn việc điều trị bệnh, thậm chí gây hại nghiêm trọng cho thị lực của bạn.
Trong trường hợp bạn đang đeo kính áp tròng, bạn chỉ nên đeo kính cận cho đến khi thăm khám bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị. Thực tế, có nhiều loại nhiễm trùng mắt khác nhau và bác sĩ sẽ cần xác định cụ thể xem loại nhiễm trùng mắt nào mà bạn đang mắc phải để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ nhãn khoa có thể lấy mẫu từ vùng mắt bị ảnh hưởng để nuôi cấy nhằm đánh giá chính xác loại nhiễm trùng mắt mà bạn đang mắc phải. Điều này có thể giúp xác định được phương pháp điều trị hiệu quả nhất, chẳng hạn như sử dụng thuốc kháng sinh nhắm mục tiêu có chọn lọc loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Nguyên nhân và các loại nhiễm trùng mắt
Nhiễm trùng mắt do vi rút và vi khuẩn
Nhiễm trùng mắt do vi rút và vi khuẩn thường bao gồm bệnh đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất, rất dễ lây lan và ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em thường xuyên vui chơi và học tập trong môi trường công cộng. Ngoài ra, giáo viên và nhân viên trông trẻ cũng có nhiều nguy cơ bị đau mắt đỏ khi họ làm việc gần gũi với trẻ nhỏ. Các loại viêm kết mạc truyền nhiễm thông thường thường bắt nguồn từ các loại vi rút hoặc vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm trùng kết mạc (viêm kết mạc do lậu cầu và chlamydia) trong quá trình sinh nở nếu người mẹ bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nhiễm trùng mắt do các loại vi rút khác (viêm giác mạc do vi rút)
Ngoài bệnh đau mắt đỏ thông thường, các bệnh nhiễm trùng mắt do vi rút khác có thể bao gồm Herpes ở mắt, xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với vi rút Herpes simplex.

Viêm giác mạc do nấm
Loại nhiễm trùng mắt này đã xuất hiện trên toàn thế giới vào năm 2006. Nhìn chung, các bệnh nhiễm trùng mắt do nấm thường có liên quan đến loại nấm Fusarium được tìm thấy chủ yếu trong các chất hữu cơ. Loại nấm này và các loại nấm khác có thể xâm nhập vào mắt bạn theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như qua vết thương xuyên thấu do cành cây gây ra.

Viêm giác mạc do amip
Những người đeo kính áp tròng thường có nguy cơ cao gặp phải các loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào mắt và gây ra bệnh viêm giác mạc Acanthamoeba – một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa đến thị giác. Đây cũng là lý do tại sao những người thường xuyên đeo kính áp tròng cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định an toàn khi sử dụng kính của nhà sản xuất và bác sĩ, chẳng hạn như tránh bơi lội trong khi đang đeo kính áp tròng. Trong trường hợp bạn sử dụng kính áp tròng khi bơi lội hoặc tắm bồn nước nóng, tốt nhất bạn nên tháo và khử trùng tròng kính ngay sau đó. Trong các chỉ dẫn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với các nhà sản xuất sản phẩm nhãn khoa thì nên có cảnh báo về ngày ngày hết hạn in trên các sản phẩm làm sạch và khử trùng kính áp tròng nhằm làm giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng mắt cho người sử dụng.
Đau mắt hột
Đau mắt hột là một bệnh nhiễm trùng mắt có liên quan đến vi khuẩn Chlamydia trachomatis, đồng thời là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa. Ruồi chính là vật trung gian có thể gây lây nhiễm loại vi khuẩn này trong môi trường không đảm bảo vệ sinh và có thể gây tái nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhìn chung, bệnh đau mắt hột thường lây nhiễm chủ yếu vào mí mắt bên trong và bắt đầu hình thành nên sẹo. Sẹo ở mí mắt khiến cho lông mi bắt đầu cọ vào nhau và làm phá hủy mô trên giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Để kiểm soát tốt được bệnh đau mắt hột và ngăn ngừa nguy cơ mù lòa, bạn nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và tuân thủ theo các phương pháp điều trị của bác sĩ, chẳng hạn như uống thuốc kháng sinh.

Viêm nội nhãn
Khi nhiễm trùng mắt xâm nhập vào bên trong mắt có thể dẫn đến tình trạng viêm nội nhãn. Nguy cơ mù lòa sẽ rất cao nếu như bệnh không được điều trị kịp thời. Việc điều trị thường tập trung chủ yếu vào việc sử dụng thuốc kháng sinh loại mạnh. Nhìn chung, loại nhiễm trùng mắt này có thể xảy ra với vết thương xuyên thấu ở mắt hoặc từ một biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật mắt, chẳng hạn như phẫu thuật đục thủy tinh thể. Theo nghiên cứu, các trường hợp có nhãn cầu mắt bị vi khuẩn xâm nhập hoặc bị thương nặng sẽ có khoảng 4-8% nguy cơ bị viêm nội nhãn. Ngoài ra, nấm mốc khi xâm nhập vào bên trong mắt cũng có thể gây viêm nội nhãn, tuy nhiên trường hợp này thường hiếm khi xảy ra.
Biến chứng của nhiễm trùng mắt
Nhiễm trùng cũng có thể ảnh hưởng đến các phần bên trong của mí mắt trên và dưới, gây ra tình trạng chắp hoặc lẹo mắt.

Khi nhiễm trùng xâm nhập vào các tuyến nước mắt, chúng có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, chẳng hạn như chứng hẹp lệ đạo và bệnh viêm màng bồ đào. Ngoài ra, nó cũng có thể gây viêm và làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước mắt của mắt, gây viêm túi lệ.
Bên cạnh đó, nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến loét giác mạc, giống như áp xe trên mắt. Nếu không được điều trị sớm, loét giác mạc có thể dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng.
Nhiễm trùng mắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi càng xâm nhập vào sâu hơn các bộ phận trong mắt, khiến bệnh nhân có nguy cơ cao mắc phải tình trạng viêm nội nhãn, đe dọa nguy hiểm đến thị lực.
Đối với bệnh viêm mô tế bào hốc mắt, nhiễm trùng thường xuất hiện ở trong và xung quanh mô mềm của mí mắt. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp vì nó có thể lan rộng nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị nhiễm trùng mắt
May mắn thay, hầu hết các bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn đều có thể chữa khỏi nhanh chóng, đặc biệt khi được điều trị kịp thời với các loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh kê theo đơn.

Đối với các bệnh nhiễm trùng mắt do virus thông thường có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng vi rút được kê đơn để điều trị. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng mắt do vi rút có thể phải sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid để làm giảm tình trạng viêm.
Nhìn chung, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản khiến bạn bị nhiễm trùng mắt để bác sĩ quyết định kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng vi rút đường uống cho bạn. Nếu các triệu chứng của bạn có vẻ xấu đi hoặc thay đổi bất thường, tốt nhất bạn nên liên hệ với bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.
Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm trùng mắt

Để ngăn ngừa hiệu quả bệnh nhiễm trùng mắt, bạn hãy tránh tiếp xúc tay với mắt mình cho đến khi rửa tay sạch sẽ với nước rửa tay sát khuẩn. Bạn có thể làm giảm thiểu khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc vi rút thông thường bằng cách sử dụng thuốc xịt hoặc chất tẩy rửa chống nhiễm trùng ở các khu vực công cộng, chẳng hạn như bệnh viện và trường học.
Nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình bạn bị đau mắt đỏ hoặc đã được chẩn đoán bị nhiễm trùng mắt, bạn hãy cố gắng giữ cho giường và khăn tắm của họ thật sạch sẽ, đồng thời không dùng chung những vật dụng này với họ. Ngoài ra, bạn nên khuyên họ hãy rửa tay thường xuyên để kiểm soát bệnh. Đối với trẻ nhỏ, người lớn nên dạy trẻ cách rửa tay sạch sẽ trước khi chạm tay vào mắt hoặc dụi mắt.
Trong trường hợp bạn sử dụng kính áp tròng, bạn nên thực hiện theo các mẹo an toàn để giữ vệ sinh tốt, chẳng hạn như rửa tay trước khi tháo và làm sạch kính áp tròng. Ngoài ra, bạn nên hạn chế đeo kính áp tròng khi đi ngủ, ngay cả loại kính áp tròng silicone hydrogel “thoáng khí” đã được FDA chấp thuận đeo qua đêm, vì chúng vẫn có thể làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng mắt.