Người phụ nữ khi mang thai có hàng trăm mối lo không tên, nhưng trong đó lại có một nỗi ám ảnh mang tên đau mắt đỏ.
Dân gian ta có câu “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” như để chứng minh rằng những triệu chứng khó chịu của bệnh đau mắt luôn là một trong những điều khiến con người bực bội, khổ sở nhất. Khi bị đau mắt đỏ, điều khiến những bà bầu lo lắng không chỉ là diễn biến khó lường của bệnh mà còn là nỗi bất an với sức khỏe của thai nhi trong bụng mình.
Contents
Tìm hiểu bệnh đau mắt đỏ khi mang thai

Đau mắt đỏ là bệnh thường xảy ra ở nước ta trong các tháng hè. Bệnh không nguy hiểm nhưng lại dễ lây lan và phát triển thành dịch. Cơ thể phụ nữ mang thai thường đặc biệt nhạy cảm, nhất là thời tiết mùa hè hay thay đổi thất thường làm con người mệt mỏi, suy giảm khả năng miễn dịch nên dễ bị nhiễm những bệnh đang bùng phát thành dịch.
Theo các bác sĩ nhãn khoa thì bản chất của bệnh đau mắt đỏ hầu như không ảnh hưởng đến bà bầu và em bé. Tuy nhiên, việc điều trị đau mắt đỏ bằng thuốc có thể ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe của thai nhi. Vậy nên, nếu không may bị lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ, phụ nữ có thai nên đi khám tại các cơ sở uy tín về nhãn khoa để nhận được những lời khuyên tốt nhất trong việc trị bệnh và phòng chống bệnh lây lan.
Các bác sĩ có thể kê đơn gồm Hylene và Toeyecin – hai loại thuốc được chỉ định sử dụng cho phụ nữ có thai. Thế nhưng, các bà bầu đừng chủ quan tự ý mua thuốc về sử dụng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ vì chúng ta không thể biết được nên dùng thuốc với liều lượng thế nào, trong thời gian bao lâu,…
Lưu ý cho bà bầu khi bị bệnh đau mắt đỏ

Một số điều phụ nữ có thai nên nhớ kỹ:
+ Không được tự ý sử dụng thuốc nam, chữa bệnh bằng những mẹo dân gian chưa được y học kiểm chứng. Ví dụ như việc một số người tự ý xông mắt bằng lá trầu, lá cây sống đời (cây bỏng) rồi bị bỏng mắt vì những loại cây này đều có chứa rất nhiều tinh dầu nóng – nếu sử dụng sai phương pháp có thể gây nên những hậu quả khó lường.
+ Phụ nữ mang thai ba tháng đầu khi bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc, tắc mạch máu võng mạc cũng nên tránh hoặc hạn chế tối đa việc dùng thuốc vì có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
+ Bà bầu càng không nên dụi mắt bằng tay, thường xuyên vệ sinh mắt – mũi – họng, đeo kính mắt, khẩu trang khi ra đường,
+ Áp dụng chế độ ăn kiêng dành cho người đau mắt đỏ, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng,… để cả mẹ và con cùng khỏe mạnh.
Cách phòng và chữa đau mắt đỏ cho bà bầu
Phòng bệnh đau mắt đỏ là công việc được đặt lên hàng đầu vì bà bầu cần tránh xa tất cả những mầm bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Khi chưa có dịch thì phụ nữ có thai vẫn phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, dùng riêng đồ cùng cá nhân, giặt sạch khăn mặt và phơi ở nơi nhiều nắng,…

Khi dịch bùng phát, bà bầu phải:
- Hạn chế đến những nơi đông người, nơi có thể có nhiều mầm bệnh, không đến các bể bơi công cộng, hạn chế hoặc tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ.
- Bà bầu cũng nên tránh ra đường vào thời điểm nắng to, nếu bắt buộc phải ra đường thì phải đeo kính râm, khẩu trang, đội mũ rộng vành,…
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tiệt trùng, rửa mắt bằng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) 2 – 5 lần/ngày sẽ hạn chế nguy cơ bị nhiễm đau mắt đỏ. Nước muối sinh lý có thể rửa trôi gỉ mắt, mầm bệnh, đem lại cảm giác dễ chịu cho mắt.

- Phụ nữ mang thai cũng không được dùng chung thuốc nhỏ mắt hay các đồ dùng sinh hoạt với người bị đau mắt đỏ để tránh lây nhiễm.
- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng bệnh đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ có khả năng ảnh hưởng đến thai rất thấp, tuy nhiên, nếu mẹ bầu tự ý dùng thuốc thì có thể ảnh hưởng xấu đên sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Vì vậy, các bà bầu không được tự ý xông lá, đắp thuốc, áp dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng để chữa đau mắt đỏ vì có thể làm bệnh kéo dài và trầm trọng hơn.

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, cơ thể bé còn non nớt và nhạy cảm với thuốc nên bà bầu tốt nhất là không sử dụng bất cứ loại thuốc gì hoặc nếu bắt buộc phải dùng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Bà bầu nên nghỉ ngơi nhiều hơn và uống nhiều nước để mắt được thư giãn.
Thuốc trị đau mắt đỏ Toeyecin và Hylene có thể sử dụng cho phụ nữ có thai nhưng phải tuân thủ theo đơn của bác sĩ. Và cuối cùng, bà bầu không được sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid như Clodexa, Nemydexa,… vì nó không tốt cho thai nhi.