Bệnh viêm kết mạc là bệnh về mắt khá phổ biến ở tất cả mọi nơi, mọi giới và mọi lứa tuổi. Bệnh dễ bùng phát thành dịch đặc biệt vào mùa xuân – hè. Vậy viêm kết mạc biểu hiện ở những triệu chứng nào, nguyên nhân gây ra bệnh, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa ra sao? Hãy tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ về bệnh lý này nhé.
Contents
Bệnh viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc: hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ (thuật ngữ tiếng Anh: Pink eye hoặc Conjunctivitis) là tình trạng viêm lớp niêm mạc trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (tròng trắng), kết mạc mi. Bệnh rất thường gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, thường mắc ở cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mãn tính, đồng thời dễ dàng điều trị và có thể phòng tránh được.
Triệu chứng viêm kết mạc thường gặp
Triệu chứng chính đó là mắt có màu đỏ. Ngoài ra, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, các triệu chứng của viêm kết mạc biểu hiện khác nhau.

-
Các triệu chứng viêm kết mạc do virus bao gồm: chảy nước mắt, ngứa mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Một hoặc cả hai mắt có thể bị ảnh hưởng. Viêm kết mạc do virus rất dễ lây lan và có thể lây lan qua ho và hắt hơi.
-
Các triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn bao gồm: dịch tiết (ghèn) vàng hay màu vàng xanh nhạt ở khóe mắt. Trong một số trường hợp, dịch tiết này có thể đủ nghiêm trọng gây dính 2 mí mắt khi thức dậy. Một hoặc cả hai mắt có thể bị ảnh hưởng. Viêm kết mạc do vi khuẩn là bệnh truyền nhiễm, thường là do tiếp xúc trực tiếp với bàn tay bị nhiễm khuẩn hoặc các vật dụng đã chạm vào mắt.
-
Các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng bao gồm: chảy nước mắt, nóng rát, ngứa mắt và thường đi kèm với nghẹt mũi, chảy nước mũi và nhạy cảm với ánh sáng. Viêm kết mạc dị ứng ảnh hưởng đến cả hai mắt, nhưng loại bệnh này không truyền nhiễm.
Viêm kết mạc gây ra bởi một số nguyên nhân (xem bên dưới), nhưng nhiều bác sĩ mắt sử dụng thuật ngữ “Bệnh đau mắt đỏ” để chỉ viêm kết mạc do virus, một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan do nhiều loại virus gây ra.
Tuy “đau mắt đỏ” nghe có vẻ đáng sợ nhưng vấn đề về mắt thường gặp này thường dễ dàng điều trị. Hơn nữa, với một vài biện pháp phòng ngừa đơn giản, mắt đỏ thường có thể tránh được. Tuy nhiên, một loại viêm kết mạc có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thị lực nếu không được điều trị. Hãy khám bác sĩ mắt nếu bạn gặp phải vấn đề về đau mắt đỏ.
Những ai có thể bị bệnh đau mắt đỏ?

Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị đau mắt đỏ nhưng một số đối tượng như nhân viên văn phòng, nhân viên cửa hàng, trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên đại học, giáo viên và nhân viên chăm sóc trẻ em đặc biệt có nguy cơ mắc các loại đau mắt đỏ truyền nhiễm vì những người này phải làm việc trong môi trường đông đúc và tiếp xúc gần nhau.
Nguyên nhân gây viêm kết mạc là gì?

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, có thể chia thành 3 loại viêm kết mạc chính:
Viêm kết mạc do virus
Nguyên nhân là do virus, giống như cảm lạnh thông thường. Loại đau mắt đỏ này rất dễ lây lan, nhưng thường sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần điều trị y tế.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Nguyên nhân là do vi khuẩn, loại viêm kết mạc này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho mắt nếu không được điều trị.
Viêm kết mạc dị ứng
Nguyên nhân là do các chất kích thích mắt như phấn hoa, bụi và lông hay vảy da động vật tiếp xúc với những người dễ mắc bệnh. Viêm kết mạc dị ứng có thể theo mùa (phấn hoa) hoặc bùng phát quanh năm (bụi; vẩy da thú cưng).
Phương pháp điều trị viêm kết mạc
Việc điều trị đau mắt đỏ tùy thuộc vào loại viêm kết mạc mà bạn mắc phải:
Điều trị viêm kết mạc do virus
Trong hầu hết các trường hợp, viêm kết mạc do virus sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian vài ngày và không cần điều trị y tế. Sử dụng áp khăn lạnh, ướt vào mắt nhiều lần trong ngày có thể làm giảm triệu chứng viêm kết mạc do virus.
Điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn
Bác sĩ mắt thường sẽ kê toa thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc thuốc mỡ để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn.
Điều trị viêm kết mạc dị ứng
Thuốc dị ứng thường có thể giúp ngăn ngừa hoặc rút ngắn cơn viêm kết mạc dị ứng.

Thông thường, có thể rất khó để xác định loại viêm kết mạc mà bạn mắc phải chỉ bằng các triệu chứng. Ngoài ra, đôi khi các tình trạng mắt hoặc sức khỏe khác có thể gây ra các triệu chứng đau mắt đỏ.
Các điều kiện liên quan đến viêm kết mạc bao gồm khô mắt. Ngoài ra, viêm kết mạc do vi khuẩn đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề về mắt rất nghiêm trọng và khả năng gây giảm thị lực vĩnh viễn.
Vì những lý do này, bất cứ khi nào bạn bị đỏ mắt, khó chịu, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ mắt và lên lịch khám kịp thời.
Nếu bạn đeo kính áp tròng và gặp các triệu chứng mắt bị đỏ, ngứa hay bị kích thích, hãy tháo kính áp tròng ra và chỉ đeo kính gọng thông thường cho tới khi bác sĩ khám mắt cho bạn.
10 mẹo phòng ngừa viêm kết mạc

Trên đây là những thông tin cơ bản cần biết về bệnh viêm kết mạc, vậy làm thế nào để bạn có thể bảo vệ bản thân và con bạn khỏi bị đau mắt đỏ? Cùng tìm hiểu 10 biện pháp phòng ngừa bạn có thể thực hiện để giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ:
- Không bao giờ dùng chung vật dụng cá nhân như khăn lau mặt, khăn lau tay hoặc khăn giấy.
- Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh dụi mắt hoặc chạm tay vào mắt.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là khi ở trường hoặc ở những nơi công cộng khác.
- Luôn mang theo nước rửa tay sát khuẩn hay luôn để chúng gần tầm với của bạn và sử dụng thường xuyên.
- Thường xuyên làm sạch các bề mặt bằng chất tẩy rửa sát trùng như mặt bàn, bề mặt phòng tắm, tay cầm vòi và điện thoại.
- Nếu bạn biết bạn bị dị ứng theo mùa, hãy hỏi bác sĩ xin lời khuyên về những gì có thể thực hiện được để giảm thiểu các triệu chứng của bạn trước khi mùa dị ứng bắt đầu.
- Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ mắt để vệ sinh và thay thế kính, sử dụng kính áp tròng đúng cách hoặc xem xét chuyển sang sử dụng kính áp tròng dùng một lần hàng ngày.
- Khi bơi, phải đeo kính bơi để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn và các vi sinh vật khác trong nước giảm thiểu nguyên nhân có thể gây viêm kết mạc.
- Trước khi tắm, hãy tháo kính áp tròng để tránh vi khuẩn xâm nhập vào giữa mắt và tròng kính.
Hãy thông báo tình trạng bệnh và tới gặp bác sĩ
Mặc dù bạn đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa trên, bạn hoặc con bạn vẫn có thể bị đau mắt đỏ, vì vậy không được chủ quan.
Nếu con bạn bị đau mắt đỏ, hãy thông báo với với giáo viên về tình trạng đó để có thể thực hiện các bước bổ sung như vệ sinh lớp học hoặc trung tâm. Ngoài ra, hãy để con nghỉ học và ở nhà cho tới khi bệnh lý đau mắt đỏ khỏi hẳn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm cho các giáo viên hay các bạn học sinh khác.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về số ngày bệnh đau mắt đỏ không có nguy cơ lây lan nữa. (thường là khoảng ba đến năm ngày sau khi chẩn đoán)
Đau mắt đỏ đôi khi có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng về mắt. Để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất, hãy đi khám bác sĩ mắt nếu mắt bạn bị đỏ, bị kích thích.
Xem thêm:
Bài thuốc dân gian chữa bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ nên kiêng ăn gì?
Bệnh Đau Mắt Đỏ Kéo Dài Trong Bao Lâu?
Hướng Dẫn Điều Trị Bệnh Đau Mắt Đỏ Nhanh Khỏi Và Hiệu Quả Nhất