Khả năng thành công của phẫu thuật phụ thuộc phần lớn vào mức độ phù hợp của bệnh nhân với một phương pháp phẫu thuật cụ thể. Tuy phẫu thuật LASIK và PRK có xác suất thành công cao và được sử dụng phổ biến nhất, vẫn có rất nhiều người không đủ điều kiện để tiến hành loại phẫu thuật này.
Bạn hoàn toàn có thể thực hiện phẫu thuật LASIK nếu bạn đáp ứng được 8 điều kiện quan trọng sau đây:
Contents
1. Có một đôi mắt khỏe mạnh, không bệnh lý
Các trường hợp đang gặp phải các tình trạng về mắt như: viêm kết mạc, khô mắt, nhiễm trùng mắt, chấn thương mắt,… nên hoãn phẫu thuật cho đến khi những bệnh lý mắt này được giải quyết một cách triệt để. Phẫu thuật trong tình trạng mắt vẫn còn vấn đề sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả cuối cùng và quá trình hồi phục hậu phẫu thuật.

Do phẫu thuật LASIK gây ảnh hưởng tạm thời tới chức năng sản xuất nước mắt của con mắt, những người mắc chứng khô mắt nghiêm trọng sẽ khiến tình trạng mắt của mình trở nên trầm trọng hơn nếu trải qua phẫu thuật LASIK. Triệu chứng của khô mắt bao gồm: cảm giác nóng rát, khó chịu trong mắt, sức chịu đựng kém khi ra gió, tầm nhìn mờ nhoè và tiết nước mắt không thể kiểm soát. Nếu bạn nhận thấy mắt mình có những biểu hiện trên, hãy nhớ trao đổi với các bác sĩ để tìm được liệu pháp điều trị phù hợp nhất.
Tình trạng khô mắt hoàn toàn có khả năng điều trị và bệnh nhân có thể được tiến hành phẫu thuật LASIK ngay sau đó. Những phương pháp trị liệu hội chứng khô mắt thông thường là nhỏ nước mắt nhân tạo, sử dụng thuốc nhỏ mắt đặc trị, thuốc thực phẩm chứng năng hạt lanh, dầu cá hoặc kết hợp tất cả các phương pháp này.
Đục thuỷ tinh thể và cườm nước cũng gây ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật và khả năng hồi phục của mắt hậu phẫu thuật.
2. Độ dày giác mạc đáp ứng đủ yêu cầu phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật điều chỉnh khúc xạ hầu hết được thực hiện bằng cách định hình lại hình dạng bề mặt trước của giác mạc. Những trường hợp giác mạc quá mỏng hoặc hình dạng bề mặt giác mạc bất thường có thể gây khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật, gây ảnh hưởng tới kết quả và khả năng hồi phục sau này của mắt.
Phương pháp phẫu thuật sử dụng tia laser femtosecond thay vì dao vi phẫu hay cấy ghép kính nội nhãn phakic IOL là các phương án thay thế tốt nhất cho những trường hợp này. Những phương pháp trên cho phép các bác sĩ tạo ra những vạt giác mạc mỏng hơn đáng kể so với vạt giác mạc LASIK, giúp giữ được nhiều biểu mô nằm dưới giác mạc hơn cho thủ tục điều trị bằng tia laser.
3. Kích thước đồng tử không quá lớn
Kích thước đồng tử quá lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm sau khi phẫu thuật như hiện tượng ánh sáng chói, hào quang ánh sáng, tầm nhìn ban đêm kém,…
4. Độ cận thị nằm trong giới hạn nhất định

Những trường hợp mắc các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) ở mức độ nặng được khuyến cáo không nên trải qua bất kể hình thức phẫu thuật LASIK nào. Các tật khúc xạ của mắt khiến kết quả phẫu thuật khó dự đoán, thiếu ổn định và nguy cơ rủi ro sau phẫu thuật cao.
Hơn nữa, những trường hợp bị cận thị nặng đòi hỏi việc loại bỏ một lượng mô giác mạc rất lớn, khiến bệnh nhân đứng trước nguy cơ gặp nhiều biến chứng thị lực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng thị lực về sau.
Phương pháp cấy ghép kính nội nhãn phakic IOL là phương pháp phù hợp và được sử dụng nhiều hơn đối với các bệnh nhân trong trường hợp này.
5. Nằm trong độ tuổi quy định
Hầu hết bệnh nhân trên 18 tuổi là đủ điều kiện được phẫu thuật, nhưng cũng có một số phương pháp yêu cầu bệnh nhân phải đủ 21 tuổi. Những trường hợp có nhu cầu điều chỉnh thị lực nhưng chưa đủ tuổi vẫn có thể được phẫu thuật dưới sự chấp thuận của bác sĩ và sự giám hộ của cha mẹ.
Thông thường, các bệnh nhân trên 40 tuổi sẽ phát triển lão thị nên rất khó để điều trị triệt để với phương pháp phẫu thuật thông thường. Vì vậy, khả năng cao họ sẽ phải sử dụng kính lão khi làm những hoạt động tập trung mắt cao độ.
Vấn đề này vẫn có thể được giải quyết bằng phương pháp đơn thị, giúp cải thiện thị lực gần mà không cần phải sử dụng kính lão hay kính đa tròng.
6. Có thị lực ổn định

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, do cơ thể thay đổi nhanh chóng nên tình trạng mắt không ổn định, số đo mắt cũng chuyển biến thất thường theo thời gian. Vì vậy, phẫu thuật LASIK thường không dành cho các đối tượng dưới 18 tuổi.
Để kết quả phẫu thuật thành công và quá trình hồi phục diễn ra theo ý muốn, tình trạng mắt của bệnh nhân phải ổn định trong ít nhất 12 tháng trước khi trải qua phẫu thuật LASIK hay bất kể loại phẫu thuật khúc xạ nào khác.
7. Tình trạng sức khoẻ hiện tại hoàn toàn bình thường
Chống chỉ định với phẫu thuật mắt bằng tia laser có thể bao gồm một số tình trạng như: bệnh thoái hoá, bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại I hay HIV-AIDs.
Sử dụng một số loại thuốc ức chế miễn dịch cũng can thiệp vào quá trình hồi phục vết thương sau phẫu thuật và làm trầm trọng hơn triệu chứng của các tác dụng phụ như khô mắt.
8. Không đang mang thai hoặc cho con bú

Phẫu thuật LASIK không phù hợp với các trường hợp đang mang thai hoặc cho con bú. Thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể làm thay đổi hình dạng giác mạc và khả năng thị lực, ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả phẫu thuật.
Phụ nữ đang mang thai cũng thường gặp tình trạng khô mắt nên không phù hợp cho việc tiến hành phẫu thuật LASIK. Ngoài ra, một số loại thuốc thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật để thúc đẩy quá trình lành vết thương (như kháng sinh và steroid) có thể gây rủi ro cho trẻ, dù là chưa sinh hay đang được cho bú.