Trước tiên phải khẳng định rằng “mù màu” không phải là mù hoàn toàn mà chỉ là không phân biệt được các màu sắc với nhau. Nếu bạn bị mù màu, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt một số màu sắc nhất định như xanh dương và vàng hoặc đỏ và xanh lá cây.
Bệnh mù màu (hay chính xác hơn là sự thiếu sót trong khả năng nhìn thấy màu sắc) là một tính trạng di truyền có ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Theo Prevent Blindness (tổ chức an toàn và sức khỏe mắt lâu đời nhất tại Mỹ) ước tính có 8% nam giới và dưới 1% nữ giới có vấn đề về thị lực màu. Sự khuyết thiếu về khả năng quan sát phổ biến nhất là cặp màu đỏ – xanh lá.
Rất hiếm khi một người bị khuyết sắc giác đối với màu xanh dương và màu vàng.
Contents
Các triệu chứng của bệnh mù màu
Bạn có cảm thấy khó khăn khi phân biệt các màu xanh dương -–vàng, đỏ – xanh lá? Đôi khi bạn nghe người khác đọc tên màu sắc trước mặt khác với màu bạn đang nhìn thấy? Nếu đúng thì đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn bị khuyết thiếu khả năng thu nhận và phân biệt màu sắc (thiếu thị lực màu sắc).

Trái với suy nghĩ của nhiều người, rất hiếm khi một người mù màu chỉ nhìn thấy sự vật bằng dải màu đen – trắng – xám. Hầu hết những người được coi là “mù màu” có thể nhìn thấy màu sắc, nhưng một số màu sắc sẽ mờ đi và gây nhầm lẫn với màu khác, điều này còn tùy thuộc vào loại bệnh mù màu mà họ gặp phải.
Bài kiểm tra mù màu có thể giúp xác định loại mù màu mà một người gặp phải.
Nguyên nhân gây mù màu
Bệnh mù màu xảy ra khi các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc nhưng không có phản hồi thích hợp với sự thay đổi của các bước sóng ánh sáng.
Các tế bào tiếp nhận ánh sáng trong võng mạc là các tế bào hình que và hình nón. Số lượng tế bào hình que có tới khoảng 100 triệu trong võng mạc của con người và nhạy cảm với ánh sáng nhưng không có khả năng nhận biết màu sắc. Trong khi đó, số lượng tế bào hình nón chỉ 6 đến 7 triệu tế bào và tập trung tại điểm vàng (điểm trung tâm võng mạc). Các tế bào hình nón này chịu trách nghiệm nhận biết màu sắc.
Trung tâm điểm vàng là lỗ hoàng điểm và khu vực nhỏ bé này chứa một lượng lớn tế bào hình nón. Các dạng mù màu di truyền thường liên quan đến sự thiếu hụt một số tế bào hình nón hoặc gần như không có chúng.
Bên cạnh nguyên nhân di truyền, các nguyên nhân khác của sự thiếu hụt hoặc mất hẳn thị lực màu bao gồm:
Bệnh Parkinson (PD)
Bệnh Parkinson là một loại rối loạn thần kinh, các tế bào thần kinh nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc của người bệnh có thể bị tổn thương hoặc không hoạt động.

Đục thủy tinh thể
Khi bạn gặp phải tình trạng này thì bạn cũng có thể gặp phải vấn đề về thị lực màu. Hiện nay phẫu thuật thay thế thủy tinh thể đã có thể khôi phục được thị lực màu bằng cách sử dụng ống kính nội nhãn nhân tạo.
Một số loại thuốc
Ví dụ, một loại thuốc chống động kinh có tên Tiagabine đã được chứng minh là làm giảm thị lực màu ở khoảng 41% những người dùng thuốc, mặc dù tác dụng phụ này không phải là vĩnh viễn.
Bệnh lý thần kinh thị giác di truyền của Leber (LHON)
Loại bệnh này có thể ảnh hưởng đến cả những người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng nào ngoài mù màu. Người bệnh thường khiếm khuyết thị lực màu ở cặp màu đỏ – xanh.
Hội chứng Kallman
Tình trạng di truyền này liên quan đến sự mất kiểm soát của tuyến yên dẫn đến sự phát triển không hoàn chỉnh hoặc bất thường cơ quan sinh dục. Bệnh mù màu có thể là một trong những triệu chứng của triệu chứng này.
Các nguyên nhân khác
Ngoài ra bệnh mù màu cũng có thể xảy trong quá trình lão hóa hoặc chấn thương não bộ.
Các điều trị chứng mù màu
Liệu pháp thay đổi hệ gen hiện đã chữa khỏi bệnh mù màu ở khỉ (theo các nghiên cứu tại Đại học Washington). Mặc dù những thử nghiệm này đang mang đến những tín hiệu cực kỳ khả quan nhưng vẫn chưa được chính thức áp dụng trong điều trị y khoa

Hầu hết mọi người có thể thích ứng với bệnh mù màu mà không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng người bệnh hoàn toàn không thể làm việc trong một số ngành nghề đặc thù yêu cầu khả năng nhận thức màu sắc chính xác như thiết kế đồ họa, nghề điện (phân biệt màu sắc dây điện). Nếu bạn sớm biết mình là người mù màu, bạn có thể lựa chọn một ngành nghề không yêu cầu khả năng nhận biết màu sắc chính xác.
Ngoài ra mù màu cũng đem đến một số bất tiện cho việc học tập và sinh hoạt. Ví như bệnh nhân mù màu sẽ không thể sử dụng được các loại sách giáo khoa yêu cầu làm bài tập có màu sắc. Trong trường hợp này phụ huynh của các bé mù màu nên liên hệ chặt chẽ với nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm để có phương pháp giảng dạy thích hợp.
Mắt kính dành cho người mù màu

Một số người sử dụng một loại kính đặc biệt để nâng cao khả năng nhiện biết màu sắc, đó là những bộ lọc ở dạng kính áp tròng hoặc kính có gọng. Một trong những loại kính hỗ trợ mù màu được yêu thích nhất hiện nay là sản phẩm mắt kính được phát triển bởi Enchroma. Theo Enchroma, các thấu kính trong kính mù màu của công ty sử dụng công nghệ lọc ánh sáng để cung cấp cho những người bị mù màu khả năng nhìn thấy phổ màu đầy đủ.
Một số giải pháp tạm thời
Một trong những giải pháp tạm thời khắc phục mù màu là đánh dấu trước màu sắc những bộ quần áo hay vật dụng sinh hoạt để bạn có thể phân biệt. (Bạn nên nhờ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình giúp đỡ thực hiện đánh dấu)
Thêm nữa, có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể trợ giúp các bệnh nhân mù màu. Dù bạn sử dụng hệ điều hành Androi và IOS thì đều có thể dễ dàng tìm thấy và tải chúng về máy.

Tuy nhiên nếu bạn thực sự nghi ngờ bản thân bị mù màu thì nên ưu tiên chọn giải pháp đến gặp các bác sĩ nhãn khoa trước. Họ sẽ giúp bạn kiểm tra thị lực màu cũng như đưa ra các tư vấn chuyên môn.
Mù màu Đỏ – Xanh có phải là do di truyền?
Bệnh mù màu đỏ – xanh là một dạng mù màu di truyền phổ biến nhất, nó xuất hiện khi một gen lặn kết hợp với gen của 1 nhiễm sắc thể X.

Các bà mẹ có một cặp nhiễm sắc thể XX mang thông tin di truyền trong khi các ông bố lại có một cặp nhiễm sắc thể XY. Nếu một nhiễm sắc thể X từ bố kết hợp với một nhiễm sắc thể X từ mẹ thì em bé sẽ là bé gái; còn khi một nhiễm sắc thể X của mẹ kết hợp với một nhiễm sắc thể Y của bố thì em bé sẽ là con trai. Bạn bị mù màu đỏ – xanh do gen lặn liên kết với nhiễm sắc thể X của mẹ bạn.
Những người cha bị mù màu đỏ – xanh sẽ di truyền cho con gái chứ không phải con trai, bởi vì con trai không thể nhận thông tin di truyền từ nhiễm sắc thể X của cha mình. Như vậy một người mẹ sẽ luôn truyền lại bệnh mù màu cho con trai mình thông qua nhiễm sắc thể X. Vậy là con gái có thể vẫn mang gen mù màu nhưng nó sẽ là gen lặn nên không biểu hiện ra ngoài. Đây là lý do tại sao đàn ông bị mù màu nhiều hơn so với phụ nữ.