Khi sinh ra, mỗi một đứa trẻ sẽ mang cho mình một màu mắt riêng biệt. Nó có thể là màu đen, màu nâu, xanh lam, màu xám, xanh lá cây, màu hạt dẻ hay một số màu kết hợp khác. Bạn đã bao giờ tự hỏi màu mắt tự nhiên của một đứa trẻ được phát triển như thế nào hay chưa, Và liệu nó có thay đổi theo thời gian không? Câu trả lời sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Contents
Màu mắt phát triển như thế nào?
Phần mắt có chứa màu sắc được gọi là mống mắt (iris), là bộ phận có sắc tố quyết định nên màu mắt của chúng ta. Như vậy theo giải phẫu, màu mắt mà chúng ta hay gọi chính là màu của mống mắt.

Thực tế, màu mắt của con người bắt nguồn từ 3 loại gen khác nhau. Các gen này tạo ra những màu mắt phổ biến nhất, bao gồm xanh lá cây, màu nâu và xanh lam. Một số màu mắt ít phổ biến hơn, chẳng hạn như màu xám, màu hạt dẻ và nhiều sự kết hợp màu mắt khác vẫn chữa được tìm hiểu rõ vào thời điểm hiện tại.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã cho rằng màu mắt nâu là đặc điểm “trội” và màu mắt xanh được coi là đặc điểm “lặn”. Tuy nhiên, nền khoa học hiện đại đã chứng minh rằng màu mắt của con người không hề đơn giản như vậy.
Thực chất, màu mắt không đơn thuần là sự pha trộn giữa màu mắt của cha mẹ giống như khi bạn trộn màu sơn. Mỗi bậc cha mẹ đều có hai cặp gen trên mỗi nhiễm sắc thể [Nhiễm sắc thể: Các chuỗi DNA bắt cặp có chứa gen hoặc tính trạng di truyền. Mỗi một tế bào bình thường trong cơ thể sẽ có 23 cặp nhiễm sắc thể, tổng cộng 46 cặp, với một nửa quyết định bởi mẹ và nửa còn lại là từ người cha.] và có nhiều khả năng biểu hiện thông tin di truyền này sang cho con cái dưới dạng màu mắt.
Màu mắt của trẻ sơ sinh có thể thay đổi theo thời gian. Khi mới sinh ra mắt trẻ không có melanin [Hắc sắc tố: là sắc tố tạo màu cho mống mắt cùng như các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả da và tóc.] nhưng khi lớn lên mắt trẻ có xu hướng sẫm lại do sắc tố nâu melanin phát triển theo tuổi tác.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể có màu mắt hoàn toàn khác với bố mẹ của chúng. Nhưng nếu cả cha và mẹ đều mang màu mắt nâu thì khả năng cao trẻ được sinh ra cũng mang màu mắt nâu tương tự.
Các màu mắt tối hơn dường như có xu hướng chiếm ưu thế hơn so với các màu mắt khác, chẳng hạn như màu mắt nâu trội hơn màu mắt xanh lá cây, trong khi màu mắt xanh lá cây lại trội hơn màu mắt xanh lam.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp chỉ có bố hoặc mẹ có màu mắt nâu và người còn lại mang màu mắt xanh thì khi sinh con, đứa trẻ đó chưa chắc đã mang màu mắt nâu ngay từ đầu.
Loạn sắc tố mống mắt
Đôi khi, một số đứa trẻ được sinh ra có màu mống mắt không đồng nhất, chẳng hạn mống mắt có 2 màu sắc khác nhau, 2 mắt có 2 màu khác nhau hay vùng trung tâm đồng tử màu cam trong khi mống mắt có màu xanh lam…Tình trạng này được gọi là loạn sắc tố mống mắt (heterochromia), xảy ra do sự vận chuyển sắc tố trong quá trình phát triển bị lỗi, chấn thương cục bộ trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh. Ngoài ra, đây cũng có thể là một rối loạn di truyền lành tính. Các nguyên nhân khác, bao gồm viêm, tàn nhang (bớt nevus) của mống mắt và hội chứng Horner [Hội chứng Horner: là tình trạng đồng tử mắt nhỏ, sụp mi mắt và giảm tiết mồ hôi bất thường trên khuôn mặt. Tất cả xảy ra ở cùng một bên của khuôn mặt. Nguyên nhân của hội chứng Horner là do tổn thương/liệt các dây thần kinh giao cảm nối giữa não bộ tới mặt và mắt.]

Nếu bạn thấy bất cứ thay đổi bất thường nào về màu mắt của mình, hãy liên hệ với bác sĩ nhãn khoa ngay nhé.
Sự thay đổi của màu mắt
Mống mắt là một loại cơ co giãn, giúp kiểm soát kích thước của đồng tử. Thông thường, đồng tử của mắt sẽ mở rộng trong môi trường ánh sáng yếu và sẽ co lại khi bạn tập trung nhìn vào các vật thể ở cự ly gần, chẳng hạn như đọc sách.

Khi kích thước đồng tử thay đổi, các sắc tố trong mống mắt sẽ co lại hoặc giãn ra làm thay đổi một chút màu mắt của bạn.
Ngoài ra, một số loại cảm xúc (vui mừng, tức giận…) cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay về kích thước đồng tử và màu của mống mắt. Đây cũng là lý do vì sao màu mắt của một số người bị thay đổi màu sắc khi họ tức giận hoặc vui mừng.
Thêm vào đó, màu mắt cũng có thể thay đổi theo độ tuổi. Điều này xảy ra đối với khoảng 10-15 % dân số da trắng – những người thường có màu mắt sáng hơn so với những người khác. Ở một số người có màu mắt hạt dẻ, khi tuổi tác ngày càng cao thì màu mắt của họ sẽ trở nên sẫm hơn trước.
Nếu màu mắt ở độ tuổi trưởng thành của bạn thay đổi khá nhiều hoặc chỉ một bên mắt bị đổi màu sắc, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến vấn đề này. Sự thay đổi màu mắt đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh, chẳng hạn như Fuchs Heterochromic Iridocyclitis (FHI), hội chứng Horner hoặc bệnh tăng nhãn áp sắc tố (Pigment Glaucoma).