Phẫu thuật LASIK lần 2 (hay còn gọi là “phẫu thuật bổ sung” hay đôi khi là ca “phẫu thuật lại”) được tiến hành khi kết quả phẫu thuật điều chỉnh thị lực lần đầu không đạt yêu cầu hoặc thị lực của bệnh nhân không thay đổi đáng kể theo thời gian.
Với những cải tiến liên tục trong công nghệ và quy trình phẫu thuật, xác suất thất bại sau phẫu thuật LASIK rất ít khi xảy ra. Hiếm khi phẫu thuật bổ sung cần được sử dụng để cải thiện thị lực và bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn phẫu thuật LASIK.
Contents
Đánh giá mức độ thỏa mãn của bệnh nhân với kết quả phẫu thuật LASIK
Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới mức độ thỏa mãn của bệnh nhân sau phẫu thuật:
– Đặc trưng và tình trạng giác mạc của bạn;
– Tật khúc xạ bạn đang mắc (cận thị, viễn thị hay loạn thị);

– Mức nghiêm trọng của tật khúc xạ;
– Nguy cơ mắc chứng khô mắt hậu phẫu thuật LASIK;
– Độ tuổi của bạn;
– Kỳ vọng của bản thân.
Những trường hợp có độ cận thị, viễn thị và loạn thị cao vẫn có thể được chữa trị bằng phẫu thuật LASIK. Tuy nhiên, phương pháp này được sử dụng phổ biến hơn đối với những người mắc các tật khúc xạ ở mức độ nhẹ.
Những kỳ vọng trước khi phẫu thuật của bệnh nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ thỏa mãn với kết quả phẫu thuật. Hãy nhớ rằng mục tiêu của LASIK hơn cả là giảm sự phụ thuộc vào kính mắt và cải thiện tầm nhìn của mắt. Kể cả khi bạn không đạt được thị lực hoàn hảo 10/10 sau phẫu thuật, thì mức thị lực đo được 8/10 cũng đã là quá tốt rồi, sẽ giúp giảm thiểu được rất nhiều những phiền phức trong cuộc sống hàng ngày cho bạn.
Hãy sử dụng kính tiếp xúc hoặc kính gọng nếu bạn chưa thấy thỏa mãn với thị lực đạt được sau phẫu thuật, có khi bạn không phải phẫu thuật lần 2 đâu. Có nhiều loại kính mắt bệnh nhân có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu cá nhân:
– Tròng kính có lớp phủ chống phản chiếu phù hợp với những người thích sự thoải mái và một tầm nhìn rõ nét cho mắt. Lớp phủ này giúp loại bỏ các phản xạ gây mất tập trung và cải thiện tầm nhìn ban đêm một cách đáng kể.
– Tròng kính đa tiêu cự phù hợp với những người mắc bệnh lão thị do tuổi tác. Chúng cung cấp tầm nhìn rõ ràng ở mọi khoảng cách mà không cần phải sử dụng một cặp kính lão riêng biệt.

– Với những người có mắt nhạy cảm với ánh sáng sau phẫu thuật LASIK, tròng kính quang điện là một lựa chọn phù hợp. Khi gặp ánh sáng mạnh, chúng sẽ tự động tối lại khiến mắt thoải mái hơn.
Khi nào cần thực hiện phẫu thuật LASIK lần 2?
Thông thường, thị lực sẽ cần khoảng vài ngày đến vài tuần để hoàn toàn hồi phục. Trong khoảng thời gian đó, bệnh nhân có khả năng gặp một số hiện tượng bất thường ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt. Tuy nhiên, hầu hết những tình trạng đó sẽ tự biến mất và không có gì đáng lo ngại.
Còn nếu tầm nhìn của bệnh nhân không hề cải thiện thêm sau ba tháng hậu phẫu thuật, có thể họ sẽ cần phải phẫu thuật LASIK bổ sung.

Để được xác định đủ điều kiện cho phẫu thuật LASIK bổ sung, bệnh nhân sẽ phải trải qua các quy trình kiểm tra mắt tương tự như với lần phẫu thuật đầu tiên.
Trong đó, điều quan trọng nhất là bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có đủ độ dày giác mạc cho lần phẫu thuật thứ hai hay không. Đặc biệt, trong lần kiểm tra này, các bác sĩ sẽ chú trọng hơn vào việc kiểm tra độ dày của giác mạc, đảm bảo giác mạc của bạn đủ điều kiện để trải qua phẫu thuật lần hai.
Nếu bệnh nhân có giác mạc quá mỏng, yếu hoặc tật khúc xạ còn lại sau phẫu thuật không đáng kể, các bác sĩ sẽ khuyến nghị họ sử dụng kính áp tròng, kính mắt hỗ trợ thay vì thực hiện phẫu thuật bổ sung.
Phẫu thuật LASIK lần 2 khác gì với phẫu thuật LASIK lần đầu?
Phẫu thuật bổ sung về cơ bản là tương đồng với phẫu thuật ban đầu, ngoại trừ một khía cạnh duy nhất. Thay vì sử dụng tia laser hay dao vi phẫu để cắt vạt giác mạc mới, các bác sĩ chỉ sử dụng một công cụ y phẫu chuyên dụng để lật lớp vạt giác mạc đã tạo ra từ lần trước lên. Thủ thuật này không hề gây đau đớn và chỉ kéo dài từ 1 đến 2 phút. Sau đó, các bác sĩ sẽ sử dụng tia laser excimer để định hình lại giác mạc. Vạt giác mạc sẽ được đậy lại vị trí ban đầu khi thủ thuật kết thúc.

Quá trình hồi phục hậu phẫu thuật lần hai cũng tương tự như với lần phẫu thuật đầu tiên. Hãy làm theo các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật một cách cẩn thận để hạn chế một cách tối đa các biến chứng hậu phẫu thuật và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ đạt được thị lực mong muốn chỉ với một lần phẫu thuật bổ sung. Tuy nhiên, với những ca khó khăn hơn, bệnh nhân sẽ cần nhiều hơn một lần phẫu thuật bổ sung để đạt được tầm nhìn tốt.
Chi phí của phẫu thuật LASIK bổ sung: hết bao nhiêu tiền?
Hầu hết các cơ sở sẽ không tính phí phẫu thuật bổ sung nếu chúng được thực hiện trong vòng một năm tính từ lần phẫu thuật đầu tiên. Tuy nhiên, chính xác giá cả có thể khác biệt rất nhiều giữa những cơ sở phẫu thuật khác nhau.

Điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng các chính sách của cơ sở phẫu thuật mình lựa chọn, cũng như nắm rõ những thủ tục được bao gồm trong tổng chi phí phẫu thuật bạn phải chi trả. Điều đó sẽ giúp bạn tránh được những khoản chi phí không lường trước và những hiểu lầm hay phiền phức không đáng có sau này.
Một số giải pháp phẫu thuật khác để bạn lựa chọn
Bên cạnh phẫu thuật LASIK bổ sung, cấy ghép kính nội nhãn phakic IOL hay phẫu thuật RLE cũng là các phương án phẫu thuật thay thế vô cùng phổ biến.

Nhằm tránh phải tác động nhiều lần tới lớp vạt giác mạc đã được tạo ra trong lần phẫu thuật đầu tiên, nhiều bác sĩ phẫu thuật sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật RLE. Còn khi muốn giảm thiểu rủi ro cho các tế bào bề mặt phát triển dưới lớp vạt, phương pháp PRK lại được các bác sĩ phẫu thuật ưu tiên.
Phẫu thuật bổ sung LASIK và PRK cũng được sử dụng trong điều trị đục thuỷ tinh thể, giúp loại bỏ các tật khúc xạ còn sót lại và cải thiện thị lực của mắt một cách đáng kể.
Nếu bạn đã từng trải qua phẫu thuật LASIK hay bất kỳ loại phẫu thuật khúc xạ mắt nào khác (bao gồm phẫu thuật đục thủy tinh thể) và nhận thấy thị lực mình không đạt đến độ sắc nét như mong muốn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ phẫu thuật để được đánh giá liệu có phù hợp với phẫu thuật lần 2 hay không nhé.