Thị lực là thước đo khả năng nhận biết và phân biệt hình dạng, chi tiết của các vật thể ở một khoảng cách nhất định. Trong một kiểm tra mắt và bảng đo thị lực sẽ được các bác sĩ mắt sử dụng để đo lường khả năng nhìn của mắt ở khoảng cách xa khi so sánh với những người khác.
Bảng đo thị lực được biết đến rộng rãi và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là bảng kiểm tra thị lực Snellen. Biểu đồ này được sáng tạo và phát triển bởi bác sĩ nhãn khoa người Hà Lan tên Hermann Snellen vào những năm 1860. Hiện nay tuy đã có rất nhiều những bản biến thể của bảng đo thị lực Snellen, nhưng nhìn chung, chúng đều có chung một cấu tạo tổng quát. Một bảng kiểm tra mắt thông thường sẽ gồm có 11 dòng với vô số các chữ cái in hoa và có kích thước giảm dần lần lượt theo từng dòng. Ở dòng đầu tiên theo chiều từ trên xuống dưới thường chứa một chữ cái duy nhất, có kích cỡ lớn nhất (thường là một chữ E, nhưng các chữ cái khác cũng có thể được sử dụng). Chữ cái ở mỗi dòng tiếp theo sẽ nhiều hơn và có độ lớn nhỏ dần theo dòng.
Trong một buổi kiểm tra mắt, bác sĩ mắt của bạn sẽ yêu cầu bạn nhìn đến dòng có chứa các chữ cái mang kích thước nhỏ nhất mà bạn có thể nhìn thấy, và đọc to nó lên. Nếu bạn có thể đọc được các chữ cái ở dòng cuối cùng, điều đó chứng tỏ bạn có một thị lực vô cùng tốt.
Contents
Thị lực 10/10 có nghĩa là gì?
Thông thường, vị trí tiêu chuẩn để đặt bảng đo thị lực là ở trên mặt phẳng tường cách mắt của bạn khoảng 5 mét. Trong trường hợp nơi kiểm tra không đáp ứng đủ điều kiện khoảng cách yêu cầu, bác sĩ có thể treo bảng ở phía sau lưng của bệnh nhân, sau đó sử dụng gương sao cho hình ảnh trong gương mô phỏng chính xác khoảng cách 5 mét cách xa mắt.
Một người có số đo thị lực 10/10 sẽ được coi là có thị lực bình thường. Điều đó có nghĩa là từ khoảng cách 5 mét, bạn có thể đọc được những chữ cái mà một người thông thường nên có khả năng đọc được ở cách xa 5 mét.

Bảng đo thị lực có thể được thiết kế theo nhiều kiểu đa dạng, nhưng nhìn chung, nếu trong một bài kiểm tra thị lực mà bạn chỉ có khả năng đọc được duy nhất dòng đầu tiên mà không thể đọc được những dòng nhỏ hơn sau đó, số đo thị lực của bạn sẽ được đánh giá 1/10. Số đo này thể hiện rằng, với những gì bạn đọc được ở khoảng cách 5 mét, người với thị lực bình thường sẽ đọc được ở khoảng cách 50 mét. Vậy nên với số đo 1/10, thị lực của bạn đang ở mức rất kém.
Để được đánh giá thị lực 10/10, bạn cần đọc được dòng thứ ba từ dưới lên trong bảng đo thị lực. Còn nếu bạn đọc được tiếp những chữ cái từ dòng thứ ba đổ xuống, số đo thị lực của bạn sẽ lần lượt là 11/10 và 12/10.
Bảng đo thị lực chữ E

Trong một số trường hợp nhất định, bảng kiểm tra thị lực Snellen không thể được sử dụng. Một ví dụ rất phổ biến là khi đối tượng thực hiện bài kiểm tra mắt là trẻ nhỏ, chúng chưa hề có khả năng nhận diện các mặt chữ cái hoặc quá ngại ngùng để đọc to chúng ra. Hoặc kể đến ví dụ của một người không biết chữ hoặc khuyết tật, họ cũng không thể nhận dạng các chữ cái hay đọc to chúng ra được.
Trong những tình huống trên thì việc thay đổi bảng kiểm tra thị lực Snellen sao cho phù hợp với nhiều đối tượng hơn là một điều cần thiết, và bởi lý do đó, bảng đo chữ E đã được đưa vào sử dụng. Bảng đo thị lực chữ E có cấu trúc và tỉ lệ hoàn toàn tương đồng với bảng đo thị lực Snellen, tuy nhiên các chữ cái in hoa đều được thay thế thành một chữ E in hoa duy nhất, xoay theo các hướng khác nhau trong không gian ( xoay theo gia số 90 độ).
Các bác sĩ mắt sẽ yêu cầu đối tượng kiểm tra sử dụng một trong hai tay (với các ngón tay mở rộng) và chỉ bàn tay theo hướng của chữ E: phải, trái, trên hay dưới.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phép đo thị lực sử dụng bảng đo chữ E đều có kết quả tương đồng so với bài kiểm tra sử dụng bảng đo thị lực Snellen tiêu chuẩn.
Kiểm tra thị lực gần: Bảng đo thị lực Jaeger
Để đánh giá tầm nhìn gần của bạn, các bác sĩ mắt sử dụng một tấm thẻ nhỏ cầm tay gọi là bảng đo thị lực Jaeger. Bảng đo này gồm có các khối văn bản ngắn được trình bày ở nhiều kích cỡ khác nhau.

Bảng kiểm tra mắt Jaeger nguyên bản được phát triển vào năm 1867 và bao gồm có bảy khối văn bản, các đoạn được sắp xếp theo thứ tự nhỏ dần. Đoạn văn bản nhỏ nhất mà bạn có thể đọc được ở khoảng cách 35cm sẽ là giới hạn nhìn gần của mắt bạn.
Kể từ đó đến nay, bảng kiểm tra mắt Jaeger (hay còn gọi là “thẻ Jaeger”) đã có một vài bản sửa đổi đến từ các nhà sản xuất khác nhau. Thật không may, do định dạng các thẻ Jaeger hiện đại không được tiêu chuẩn hóa, nên kích thước các khối văn bản trên các thẻ Jaeger khi đến từ các nguồn khác nhau sẽ có sự khác biệt đôi chút.
Tỉ lệ chữ ở một bảng đo thị lực Jaeger hiện đại thường dao động từ J10 (tương đương cỡ chữ 14 của phông chữ Times New Roman) đến J1 (tương đương cỡ chữ 3 của phông chữ Times New Roman). Một vài thẻ Jaeger còn có cả đoạn văn bản bổ sung được gắn mác “J1+” mang kích cỡ bé hơn cả đoạn văn bản J1.
Khối văn bản J1 trên bảng đo thị lực nhìn gần Jaeger được coi là tương đương với số đo thị lực 10/10 trên bảng kiểm tra thị lực nhìn xa. Ở trên một số thẻ Jaeger, khối văn bản bổ sung J1+ tương đương với thị lực 10/10.
Bảng kiểm tra thị lực Jaeger có thể được sử dụng theo hai cách, phụ thuộc vào mục đích đo lường của bác sĩ
– Bảng được giữ ở một khoảng cách nhất định (khoảng 35cm) và bạn sẽ được yêu cầu đọc khối văn bản nhỏ nhất bạn có thể nhìn thấy.
– Bảng được được điều chỉnh xa hơn hoặc gần hơn cho đến khi bạn đọc được một dòng nhất định.
Bảng kiểm tra thị lực của Việt Nam
Ở Việt Nam, loại bảng kiểm tra thị lực được sử dụng phổ biến nhất là bảng đo thị lực chữ C (bảng Landolt). Loại bảng đo thị lực này được phát triển bởi một bác sĩ nhãn khoa người Thuỵ Sĩ tên Edmund Landolt.

Bảng đo thị lực chữ C bao gồm vô số các vòng tròn có khe hở, nên chúng nhìn tương tự như những chữ C. Khe hở của vòng tròn xoay trong không gian theo các hướng khác nhau: trái, phải, dưới, trên (theo gia số 45 độ). Một bảng kiểm tra chữ C gồm có 12 dòng và có kích thước các chữ C giảm dần lần lượt theo từng dòng. Ở dòng đầu tiên theo chiều từ trên xuống dưới chứa hai chữ cái có kích cỡ lớn nhất. Chữ cái ở mỗi dòng tiếp theo sẽ nhiều hơn và có độ lớn nhỏ dần theo dòng.
Đối với bảng thị lực vòng hở Landolt, đối tượng kiểm tra sẽ đứng cách bảng thị lực 5m, nhìn một chữ cái dưới 1 góc 5 phút. Chữ cái tương ứng với thị lực 10/10 có kích thước: cỡ chữ 7,5mm; nét chữ 1,5mm. Bệnh nhân lần lượt chỉ các dòng từ lớn tới nhỏ và xác định xem khe hở quay về hướng nào. Số đo thị lực tương ứng với hàng nhỏ nhất mà bệnh nhân còn có thể đọc được. Ở Việt Nam, số đo thị lực hoàn hảo là 10/10, và những đối tượng đọc được các chữ cái từ dòng thứ 10 đổ xuống sẽ đạt được số đo thị lực lần lượt là 11/10, 12/10.
Bảng tương quan giữa thị lực và kích thước chữ cái:
Số đo thị lực | Cỡ chữ (mm) | Nét chữ (mm) |
1/10 | 75 | 15 |
2/10 | 37.5 | 7.5 |
3/10 | 25 | 5 |
4/10 | 18.7 | 3.7 |
5/10 | 15 | 3 |
6/10 | 12.5 | 2.5 |
7/10 | 10,7 | 2.1 |
8/10 | 9.4 | 1.9 |
9/10 | 8.3 | 1.7 |
10/10 | 7.5 | 1.5 |
Trong trường hợp dù đứng xa 5m nhưng bệnh nhân vẫn không đọc được dòng chữ lớn nhất trên bảng thị lực, thì tầm nhìn của bệnh nhân đang rất kém. Khi đó, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến gần đến bảng thị lực để đọc các hàng chữ trên bảng, kết quả cũng là hàng chữ nhỏ nhất mà bệnh nhân có thể đọc được ở một khoảng cách nhất định. Ví dụ như ở khoảng cách 2m, bệnh nhân đọc được đến dòng thứ hai, các bác sĩ sẽ ghi: MP: 2/10-2m.
Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể sử dụng phương pháp cho bệnh nhân đếm số ngón tay được đưa ra trước mắt bệnh nhân ở một khoảng cách nhất định. Kết quả thị lực là khoảng cách xa nhất mà bệnh nhân còn đếm đúng số ngón tay đưa ra. Ví dụ khoảng cách xa nhất mắt phải, mắt trái nhìn được số ngón tay lần lượt là 3m và 1m, các bác sĩ sẽ viết: MP: ĐNT 3m, MT: ĐNT 1m.
Hạn chế của các bảng kiểm tra thị lực

Các bảng kiểm tra thị lực chỉ có thể sử dụng duy nhất cho mục đích kiểm tra thị lực. Chúng giúp các bác sĩ mắt xác định sự cần thiết của việc kê mắt kính hoặc kính áp tròng cho tầm nhìn xa của bạn.
Tuy nhiên, bảng kiểm tra thị lực không thể đo được tầm nhìn ngoại vi, nhận thức chiều sâu, khả năng nhận diện màu hay khả năng nhận diện sự tương phản.
Bên cạnh đó, chúng cũng không được dùng để xác định sức khỏe mắt toàn diện của bạn, thí dụ như kiểm tra áp lực dịch mắt, xác định xem bạn có bị tăng nhãn áp hay không hay độ khô của mắt và võng mạc của bạn có đang ở trong tình trạng tốt.
Vì vậy, kiểm tra mắt với bảng kiểm tra thị lực vẫn là một phần của bài kiểm tra mắt toàn diện. Hơn thế nữa bạn nên đi kiểm tra ít nhất một lần mỗi hai năm để đảm bảo thị lực được tốt nhất nhé.