Bệnh tăng nhãn áp là một trong những vấn đề phổ biến ở mắt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thần kinh thị giác, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về căn bệnh tăng nhãn áp.
Hỏi: Tôi được chẩn đoán là mắc phải bệnh tăng nhãn và bệnh đang trong giai đoạn phát triển. Có cách nào giúp tôi ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiến triển nặng hơn hay không?

Đáp: Bệnh tăng nhãn áp là một tình trạng về mắt, xảy ra do các sợi thần kinh thị giác [Dây thần kinh thị giác: dây thần kinh có chức năng dẫn truyền các xung điện từ các tế bào cảm quang (tế bào hình que và tế bào hình nón) trong võng mạc của mắt đến vỏ thị giác trong não.] bị chết do thiếu nguồn dinh dưỡng cung cấp máu cho mắt. Khi những sợi dây thần kinh thị giác này bị chết đi, chúng sẽ không thể hồi phục lại như trước. Để kiểm soát được bệnh tăng nhãn áp, bạn nên thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý và lành mạnh hơn, đồng thời sử dụng thuốc theo đúng sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh hút thuốc lá và uống nhiều rượu, tích cực tập thể dục để duy trì cân nặng, đặc biệt nhớ đi khám mắt thường xuyên.
Hỏi: Áp lực mắt phải của tôi được chẩn đoán là cao ở mức 28mmHg (milimet thủy ngân). Tôi thường xuyên đến phòng tập thể dục và phòng tắm hơi, ngoài ra tôi cũng thường tập nâng tạ. Liệu những thói quen hàng ngày này có liên quan gì đến tình trạng tăng nhãn áp của tôi hay không?
Đáp: Thực tế, việc thường xuyên tập luyện tại phòng tập gym hoặc dành nhiều thời gian trong phòng xông hơi (xông hơi khô) và nâng tạ sẽ không ảnh hưởng đến nhãn áp của bạn.
Hỏi: Xét nghiệm đo độ dày lớp sợi thần kinh có thể phát hiện được sớm bệnh tăng nhãn áp không?
Đáp: Xét nghiệm này hoàn toàn có thể phát hiện sớm được căn bệnh tăng nhãn áp, vì chúng có khả năng phân tích rất chi tiết các dây thần kinh thị giác để chẩn đoán bệnh. Thông thường, quá trình thực hiện xét nghiệm chỉ mất khoảng vài giây.
Hỏi: Các dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp là gì?

Đáp: Thông thường, loại bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất (bệnh tăng nhãn áp góc mở mãn tính) không biểu hiện ra bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào. Áp lực bên trong mắt tăng chậm đến mức chỉ có thể phát hiện được bằng cách kiểm tra nhãn áp (IOP) tại phòng khám hoặc bệnh viện.
Hỏi: Tôi bị mắc bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Liệu phẫu thuật đục thủy tinh thể có đạt được tỷ lệ thành công cao không?
Đáp: Sự kết hợp của hai tình trạng này không làm giảm tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật này sẽ không thể làm giảm được bệnh tăng nhãn áp của bạn. Nó vẫn có khả năng tiến triển cho dù bạn có thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể hay không. Ngoài ra, tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ và các thiết bị hỗ trợ phẫu thuật tại cơ sở phẫu thuật. Bạn nên tới các bệnh viện mắt uy tín để điều trị tình trạng mắt này của bạn.
Hỏi: Vì sao một số người mặc dù bị tình trạng nhãn áp cao nhưng lại không phải là mắc bệnh tăng nhãn áp [Tăng nhãn áp: là tình trạng áp lực nội nhãn tăng cao gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực ngoại biên. Hầu hết mọi người đều không có triệu chứng ban đầu khi mắc bệnh tăng nhãn áp mãn tính (góc mở), nhưng trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể bị mất đi thị lực ngoại biên, mờ mắt, đau đầu, khó thích nghi với bóng tối hoặc các quầng sáng xung quanh đèn. Có nhiều loại tăng nhãn áp khác nhau nhưng hay gặp là bệnh tăng nhãn áp góc đóng, có thể gây ra các triệu chứng như đau mắt, đồng tử không phản ứng lại với ánh sáng, bị đỏ mắt, buồn nôn hoặc mắt lồi.]?
Đáp: Áp suất bình thường trong mắt sẽ dao động từ 12 – 21mmHg. Một số bệnh nhân may mắn khi các dây thần kinh thị giác của họ có thể chịu đựng được áp lực ở ngoài phạm vi này. Nếu không có dấu hiệu nào khác của bệnh tăng nhãn áp (ví dụ như khiếm khuyết trường thị giác hoặc thay đổi thần kinh thị giác), thì việc theo dõi tình trạng áp suất cao trong mắt sẽ trở nên đơn giản hơn. Nhìn chung, khi áp suất trong mắt cao hơn 30mmHg sẽ cần phải xử lý sớm.
Hỏi: Gần đây tôi được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp. Tôi đã sử dụng thuốc nhỏ mắt Travatan để làm giảm nhãn áp. Sau một thời gian dùng thuốc, tôi cảm thấy có sự bất thường ở nhịp tim. Liệu điều này có phải là do thuốc nhỏ mắt gây ra hay không?

Đáp: Thuốc nhỏ mắt Travatan không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến sự bất thường ở nhịp tim (ví dụ như nhịp tim không đều). Nếu bạn gặp phải tình trạng tim đập chậm, tốt nhất hãy trao đổi thêm với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến vấn đề này.
Hỏi: Con trai tôi năm nay 11 tuổi và đang điều trị bệnh tăng nhãn áp. Ngoài ra, con tôi cũng đang sử dụng thường xuyên một số loại thuốc nhỏ mắt chẹn beta [Thuốc chẹn beta: là loại thuốc có tác dụng giúp mở rộng hoặc làm giãn mạch máu để máu có thể lưu thông bình thường. Nhìn chung, khi thuốc chẹn beta được sử dụng dưới dạng thuốc nhỏ mắt sẽ có khả năng làm giảm tiết chất lỏng và áp lực bên trong mắt – thường gặp phải ở các bệnh về mắt như bệnh tăng nhãn áp. Thuốc giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ tổn thương dây thần kinh thị giác cho bệnh nhân và kiểm soát huyết áp cao. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ liên quan đến hô hấp.], tuy nhiên một số người khuyến cáo rằng chúng có thể gây ra các vấn đề về tình dục. Liệu điều này có đúng hay không và có loại thuốc nào khác để thay thế không?
Đáp: Nhiều loại thuốc chống tăng nhãn áp có thể gây ra tác dụng phụ toàn thân. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, một số loại thuốc sẽ được hấp thụ vào máu, do đó chúng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Hầu hết mỗi loại thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh tăng nhãn áp đều có các tác dụng phụ tiềm ẩn. Đối với các loại thuốc chẹn beta có thể gây bất lực hoặc suy giảm ham muốn tình dục ở một số người. Nếu bạn lo lắng về tác dụng phụ tiềm ẩn này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa về các loại thuốc thay thế.
Nguồn tham khảo: https://www.allaboutvision.com/askdoc/glaucoma.htm