Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc thường gặp phải về bệnh đục thủy tinh thể và phẫu thuật đục thủy tinh thể. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây nhé!
Contents
Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể tự nhiên của mắt bị mờ đục. Trong giải phẫu nhãn cầu, thủy tinh thể là bộ phận nằm phía sau mống mắt và trước dịch kính.
Có phải đục thủy tinh thể chỉ xảy ra ở người lớn tuổi?

Hầu hết các bệnh đục thủy tinh thể thường phát triển chậm theo thời gian và ảnh hưởng chủ yếu đến những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, căn bệnh này vẫn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh.
Đục thủy tinh thể bẩm sinh thường bắt nguồn từ việc người mẹ bị mắc bệnh sởi Đức, bệnh thủy đậu hoặc một loại bệnh truyền nhiễm khác trong thời kỳ mang thai. Đôi khi, chúng ta cũng có thể bắt gặp tình trạng bệnh do di truyền.
Vì sao bạn cần phải chờ theo dõi một khoảng thời gian trước khi điều trị đục thủy tinh thể?
Bệnh đục thủy tinh thể mức độ nhẹ thường gây ra ít hoặc không gây ra các vấn đề về thị lực. Do đó, trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ cần chờ một khoảng thời gian nhất định để theo dõi tình trạng đục thủy tinh thể và xem liệu bệnh có trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến thị lực của bạn hay không.
Ngoài ra, một số loại bệnh đục thủy tinh thể có thể không bao giờ trở nên nặng hơn và cũng không cần phải loại bỏ, vì thực sự thủy tinh thể tự nhiên của mắt rất quý và phẫu thuật thủy tinh thể cũng có những rủi ro nhất định.
Nhưng nếu tình trạng đục thủy tinh thể của bạn trở nên trầm trọng hơn, và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như khó nhìn khi lái xe, hoặc khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày thì có lẽ đã đến lúc bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?

Mặc dù phẫu thuật đục thủy tinh thể là một loại phẫu thuật được coi là thành công nhất trong y khoa. Nhưng phẫu thuật là một thủ thuật ngoại khoa nên bản thân nó đều có những rủi ro nhất định (như nguy cơ nhiễm trùng hay biến chứng…) mặc dù tỉ lệ đó khá thấp.
Ngoài ra, phẫu thuật đục thủy tinh thể được coi là phẫu thuật khó, do đó mức độ rủi ro phụ thuộc rất lớn vào tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ, cùng với đó là các trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại của cơ sở khám chữa bệnh.
Làm thế nào để loại bỏ đục thủy tinh thể?
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bề mặt trước của mắt bằng dao mổ hoặc tia laser. Sau đó, một lỗ tròn sẽ được cắt ở ngay phía trước của màng mỏng bao bọc thủy tinh thể bị đục (thủ thuật mở bao trước). Tiếp theo, thủy tinh thể sẽ được tán thành nhiều mảnh nhỏ hơn thông qua tia laser hoặc thiết bị dùng sóng siêu âm (đầu phaco) để có thể dễ dàng lấy ra khỏi mắt.

Khi toàn bộ phần thủy tinh thể đã được lấy ra, nó sẽ được thay thế bởi một thấu kính nội nhãn (IOL), giúp phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, mắt có thể lành lại nhanh chóng sau phẫu thuật mà không cần phải khâu lại.
Ngày nay rất nhiều bước trong quá trình phẫu thuật đã được thực hiện thành công với sự trợ giúp của lập trình trên máy tính để điều khiển cường độ của các tia laser thay vì thực hiện bằng tay như trước kia. Bạn có thể xem thêm về kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể bằng tia laser.
Bệnh đục thủy tinh thể thứ phát là gì?
Trong một số ít trường hợp (khoảng 20-30%), sau vài tháng hoặc vài năm kể từ khi thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể, phần bao sau của thủy tinh thể nằm sâu bên trong mắt có thể trở nên đục lại và khiến thị lực bị mờ đi lần thứ 2.

Đục thủy tinh thể thứ phát (hay còn gọi là đục thủy tinh thể bao sau), thường có thể được điều trị dễ dàng bằng một phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn gọi là phẫu thuật Laser YAG. Phương pháp phẫu thuật này chỉ kéo dài khoảng 15 phút và mang lại hiệu quả điều trị cao.
Có cần phải đeo kính sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể không?

Hầu hết các phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đại đều thay thế thủy tinh thể tự nhiên của mắt bằng thấu kính nội nhãn (IOL). Thấu kính này có khả năng điều chỉnh tầm nhìn xa của bạn thành 10/10 mà không cần phải đeo kính mắt hoặc kính áp tròng.
Trên thực tế, các thấu kính nội nhãn đa tiêu và các một số loại IOL cao cấp khác thậm chí có thể giúp bạn loại bỏ nhu cầu đeo kính đọc (kính lão) sau phẫu thuật.
Chi phí mổ đục thủy tinh thể là bao nhiêu?

Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật và thấu kính nội nhãn được lựa chọn cấy ghép cho bệnh nhân. Bạn hãy liên hệ trực tiếp với các bệnh viện mắt để có được chi phí chính xác cho mình.
Tác dụng phụ của phẫu thuật đục thủy tinh thể là gì?
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra do phẫu thuật đục thủy tinh thể, bao gồm đau, nhiễm trùng, sưng tấy và chảy máu, tuy nhiên rất ít người gặp phải các biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật. Trong hầu hết các trường hợp, các biến chứng hay tác dụng phụ từ phẫu thuật có thể được kiểm soát thành công bằng thuốc hoặc các thủ thuật điều trị khác.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, hãy tuân thủ đúng theo các chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật và thông báo bất kỳ triệu chứng bất thường nào nếu có.