Bệnh giác mạc hình chóp xuất hiện khi giác mạc bị mỏng, yếu đi và phình ra thành hình chóp một cách bất thường, khiến cho tầm nhìn của bạn bị mờ và biến dạng. Đồng thời bạn cũng sẽ cảm nhận mắt mình nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý này đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, những yếu tố liên quan đến bệnh giác mạc hình chóp có thể kể đến là yếu tố di truyền, dị ứng hay dụi mắt quá mạnh hay quá thường xuyên.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quá trình gián đoạn hấp thụ một số loại enzyme và những chất khác ở giác mạc (bao gồm những hợp chất ảnh hưởng đến phản ứng viêm) có liên quan đến bệnh lý này. Tuy nhiên người ta vẫn chưa thể xác định nguyên nhân tại sao lại có sự gián đoạn hấp thụ enzyme ở mắt.
Theo thống kê, số lượng bệnh nhân bị giác mạc hình chóp sẽ khác biệt tùy thuộc vào từng quốc gia, vùng miền, vị trí địa lý, và phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh. Một trong những nghiên cứu gần đây về bệnh giác mạc hình chóp tại Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 54/100.000 (hay tỷ lệ 1/2000) người mắc phải bệnh lý nhãn khoa này.
Tuy nhiên, môt nghiên cứu tương tự nhưng được thực hiện tại Hà Lan lại cho ra kết quả mắc bệnh cao hơn khi tỷ lệ là 265/100.000 (hay 1/377) người. Trong đó, có tới 60.6% bệnh nhân là nam giới.
Tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức về giác mạc hình chóp do đây là một bệnh nhãn khoa hiếm gặp. Các bác sỹ nhãn khoa cũng ghi nhận bệnh giác mạc hình chóp thường xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi thanh thiếu niên, giảm dần sau tuổi 40 và gây ảnh hưởng lên một hoặc hai mắt của người bệnh.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nhanh chóng khi giác mạc dần biến thành hình chóp bất thường khiến cho tầm nhìn của bạn bị méo mó. Cho dù bạn có đeo kính gọng hay kính áp tròng cũng không giúp điều chỉnh triệt để bệnh lý này. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gây ra những vết sẹo trên giác mạc khiến thị lực của bạn bị sụt giảm nghiêm trọng và chi phí điều trị tăng cao.