Bệnh đục thủy tinh thể: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Thủy tinh thể là một bộ phận nằm sau mống mắt (tròng đen của mắt), đóng vai trò như một thấu kính trong suốt với hai mặt lồi. Với cấu tạo chủ yếu từ nước và protein, thủy tinh thể có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta nhìn rõ mọi vật. Nếu bộ phận này bị đục, chắc chắn bạn không thể nhìn rõ mọi thứ.

Đục thủy tinh thể là gì?

Trong một số trường hợp, protein trong thủy tinh thể tập trung lại thành từng đám mờ đục, ngăn cản ánh sáng chiếu đến võng mạc, dẫn đến chứng suy giảm thị lực. Tình trạng này được gọi là đục thủy tinh thể (hay còn gọi là: đục nhân mắt, bệnh cườm đá hay cườm khô).

Đục thủy tinh thể nhẹ và nặng
Đục thủy tinh thể nhẹ và nặng, tình trạng mắt bị giảm khả năng nhìn tự nhiên

Đục thủy tinh thể thường khiến bệnh nhân nhìn mờ và tình trạng này không thể giải quyết triệt để bằng cách đeo kính gọng hay kính áp tròng được. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn theo thời gian và tuổi tác; nghiêm trọng nhất là khiến bệnh nhân bị mất thị lực vĩnh viễn. Do đó, phẫu thuật đục thủy tinh thể được xem là “cứu tinh” cho đôi mắt bạn khi các biện pháp can thiệp khác không còn mang lại hiệu quả.

Nguyên nhân

những điều cần biết về bệnh đục thủy tinh thể
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đục thủy tinh thể là do quá trình lão hóa

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do quá trình lão hóa khi không chỉ mắt mà các bộ phận khác của cơ thể sẽ bị suy giảm chức năng theo thời gian.

Ngoài ra một số nhân tố khác cũng có thể làm gia tăng bệnh đục nhân mắt. Chẳng hạn như khi mắt hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời (tia UV) hay ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử. Sử dụng thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài, hút thuốc lá, hay tiền sử mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ khiến thủy tinh thể của bạn bị mờ đục.

Bệnh đục thủy tinh thể còn có ở dạng bẩm sinh (do gen di truyền), khiến trẻ em bị mắc bệnh ngay từ khi mới sinh ra. Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc bệnh này nếu không may bị một chấn thương nào đó ở mắt.

Theo số liệu thống kê, đục thể tinh thể chiếm tới 65% trong số các nguyên nhân gây mù lòa ở Việt Nam. Mỗi năm cứ 100.000 người thì có tới 88 người mắc bệnh đục thuỷ tinh thể. Như vậy, dân số Việt Nam năm 2020 là 97,3 triệu người thì sẽ có khoảng 85.624 người mắc bệnh.

Đáng lo ngại là số người mắc bệnh đục thủy tinh thể đang có xu hướng trẻ hóa do tác động từ môi trường, lối sống thiếu khoa học và ý thức chăm sóc sức khỏe nhãn khoa kém. Theo số liệu công bố gần đây nhất (năm 2018), có tới 30% số ca bệnh đục thủy tinh thể xuất hiện ở nhóm tuổi dưới 50 hay thậm chí trẻ hơn, còn ở nhóm từ 50 tuổi trở lên là 70%.

Triệu chứng

những điều cần biết về bệnh đục thủy tinh thể
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đục thủy tinh thể là suy giảm thị lực

Nếu bạn trên 50 tuổi, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể cao hơn, ngay cả khi bạn không có những biểu hiện bệnh rõ ràng hay gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào về thị lực. Bệnh có thể khởi đầu rất chậm rãi hoặc diễn tiến nhanh chóng, tùy vào từng loại đục thủy tinh thể khác nhau mà bạn có thể bị mắc.

Triệu chứng phổ biến nhất là thị lực suy giảm. Bạn sẽ nhìn mọi thứ mờ đi tương tự như bạn phải quan sát mọi vật qua khung cửa sổ đầy sương mù vậy.

Những triệu chứng khác bao gồm loá mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn màu sắc nhạt, song thị (nhìn đôi: nhìn một hình thành hai hình hoặc đa hình). Bạn thường cần nhiều ánh sáng hơn so với mức bình thường để có thể đọc sách hoặc làm việc.

Nếu bạn có thói quen đi khám mắt định kỳ trung bình 1 lần/ năm, nhiều khả năng bác sỹ nhãn khoa sẽ phát hiện ra bệnh đục thủy tinh thể trước khi bạn nhận ra những dấu hiệu bất thường ở mắt. Đôi khi, bệnh có thể khiến bạn phải thay kính áp tròng có độ (hay kính gọng) thường xuyên trước khi bạn bị mất thị lực hoàn toàn.

Những phương pháp điều trị

Ở giai đoạn đầu của bệnh đục thủy tinh thể, bạn chỉ cần mang kính áp tròng hay kính gọng phù hợp để duy trì thị lực ở mức độ chấp nhận được. Tuy nhiên, bệnh sẽ diễn tiến nặng theo thời gian; do đó thay kính liên tục không phải là giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề. Tới thời điểm nào đó, bạn cần tiến hành phẫu thuật để duy trì thị lực.

Tuy nhiên bạn cũng không cần phải lo lắng quá mức do phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những hình thức phẫu thuật an toàn, phổ biến và có tỷ lệ thành công cao. Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ phẫu thuật sẽ lấy đi thủy tinh thể đã bị đục, và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo (hay thấu kính nội nhãn – IOL).

những điều cần biết về bệnh đục thủy tinh thể
Thay thấu kính nội nhãn IOL là một trong các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng tài chính của bạn, bác sỹ phẫu thuật sẽ tư vấn và giúp bạn chọn loại thủy tinh thể nhân tạo phù hợp nhất. Ví dụ, bên cạnh chức năng phục hồi thị lực, một số loại kính nội nhãn còn có thể giúp điều chỉnh tật khúc xạ (cận thị, viễn thị hoặc loạn thị) cho bạn.

Những loại thủy tinh thể cao cấp hơn còn được gọi là thủy tinh thể đa tròng (thực ra là một thấu kính nội nhãn đa tròng) có thể làm chậm quá trình tiến triển của chứng lão thị, do đó giảm nhu cầu dùng kính đọc sau khi phẫu thuật.

Ngoài ra, bác sỹ cũng sẽ tư vấn thêm cho bạn về những công nghệ phẫu thuật đục thủy tinh thể tiên tiến nhất như mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp laser. Chỉ với vài thao tác đơn giản, phương pháp này mang lại hiệu quả cao hơn và chính xác hơn so với phương pháp mổ bằng Phaco truyền thống.

Khi nào bạn cần làm phẫu thuật?

Kiểm tra mắt định kì hàng năm được xem là giải pháp thiết thực

Kiểm tra mắt định kì hàng năm được xem là giải pháp thiết thực nhằm phát hiện những thay đổi về thị lực cũng như bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên những bài kiểm tra thị lực đơn giản như đọc các con số hay kí tự màu đen trên phông trắng đôi khi là không đủ để phát hiện bệnh. Nguyên do là vì bạn có thể đọc tốt trong bài kiểm tra nhưng lại không nhìn rõ như bạn mong muốn trong các hoạt động hàng ngày.

Do đó tốt nhất bạn hãy đề cập với bác sỹ tất cả những triệu chứng bất thường ở mắt mà bạn đang gặp phải. Việc này sẽ giúp bác sỹ có đủ thông tin để cho ra kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe đôi mắt bạn, cũng như quyết định liệu đã đến lúc bạn cần phải tiến hành phẫu thuật để tránh các biến chứng.

Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật trong những trường hợp sau:

+ Thứ nhất, đục thủy tinh thể khiến thị lực giảm sút gây bất tiện trong các sinh hoạt hàng ngày như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi.

+ Thứ hai, phẫu thuật có thể giúp cải thiện thị lực tốt hơn so với đeo kính hoặc không phẫu thuật.

+ Thứ ba, phẫu thuật là cần thiết để điều trị các bệnh về đáy mắt như bệnh võng mạc đái tháo đường hay bong võng mạc.

Trường hợp bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sỹ sẽ không tiến hành phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà sẽ mổ lần lượt từng mắt một. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai lần phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 -4 tuần.

Nếu bạn không có thói quen khám mắt định kỳ, bạn nên đến gặp bác sỹ nhãn khoa càng sớm càng tốt khi thấy những dấu hiệu sa sút thị lực trong các sinh hoạt thường ngày như khi lái xe vào ban đêm, đọc bảng chỉ đường, xem ti vi hay đọc sách.

Lựa chọn nơi phẫu thuật uy tín

Phẫu thuật đục thủy tinh thể khá an toàn và ít gặp rủi ro nhiễn trùng hay biến chứng. Nhưng bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi tiến hành phẫu thuật, nhất là lựa chọn đúng bệnh viện mắt uy tín, bác sỹ có tay nghề cao và phương pháp mổ an toàn, hiện đại, hợp túi tiền của bạn.

Ở miền Nam bệnh viện mắt TP HCM là một trong những nơi phẫu thuật uy tín

Tại khu vực phía Nam, bệnh viện mắt TPHCM, bệnh viện mắt Sài Gòn, Khoa mắt- bệnh viện Trung Ương, Trung tâm mắt kỹ thuật cao – Bệnh Viện 30-4 và Bệnh viện Mắt Quốc Tế Việt Nga là 5 bệnh viện mắt uy tín mà bạn có thể đến thăm khám, tư vấn và chữa trị đục thủy tinh thể.

Tại Hà Nội, Bệnh Viện Mắt Trung Ương, Bệnh Viện Mắt Hà Nôi, Bệnh Viện Mắt HITEC, Bệnh Viện Mắt Quốc Tế Nhật Bản là những địa chỉ đáng tin cậy nếu bạn muốn khám và điều trị các bệnh nhãn khoa nói chung và đục thủy tinh thể nói riêng.

Tại Hà Nội Bệnh viện mắt Trung Ương là một trong những nơi phẫu thuật mắt uy tín

Bện cạnh đó, bạn có thể đặt lịch để gặp riêng bác sỹ giỏi mà bạn muốn làm phẫu thuật để được tư vấn chính xác. Việc này có thể sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn cho bạn trước khi tiến hành phẫu thuật.Cụ thể, trên trang www.bookingcare.vn, bạn có thể tìm thấy thông tin về một số bác sỹ chuyên phẫu thuật đục thủy tinh thể có kinh nghiệm và tay nghề cao ở Hà Nội như bác sĩ CK II Nguyễn Đăng Dũng, Tiến sĩ, Bác sĩ Đặng Trần Đạt, Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Vân Anh, hay Giáo sư, Bác sĩ Hattori Tadashi.

Trong trường hợp bạn sống xa trung tâm hay sống tại các tỉnh thành, bạn hoàn toàn có thể điều trị bệnh đục thủy tinh thể tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Mổ đục thủy tinh thể không phải là loại hình phẫu thuật quá phức tạp, do đó không cần thiết phải đến các bệnh viện hàng đầu của cả nước (hiện nay các bệnh viện tuyến đầu cũng đã quá tải bệnh nhân).

Tất nhiên sự lựa chọn của bạn còn tùy thuộc vào tình trạng diễn tiến của bệnh, điều kiện tài chính, và mong muốn cá nhân nữa.

Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể

Tại Việt Nam, mổ Phaco và mổ Laser là 2 phương pháp phổ biến nhất để điều trị đục thủy tinh thể; trong đó mổ Phaco vẫn được sử dụng nhiều hơn cả. Thông thường, chi phí cho một ca mổ Phaco sẽ dao động từ 2 – 5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho một ca mổ Laser là từ 9 – 15 triệu đồng.

Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể cho một ca mổ Phaco sẽ dao động từ 2 – 5 triệu đồng

Ngoài ra, bạn còn phải chi trả chi phí để lắp thủy tinh thể nhân tạo. Đối với thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự, mức giá sẽ dao động từ 2 đến 15 triệu đồng tùy thuộc bạn có phải điều chỉnh loạn thị hay không. Thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự có giá thành khá cao trong khoảng từ 19 đến 35 triệu đồng và từ 32 đến 45 triệu đồng khi điều chỉnh loạn thị.

Như vậy chi phí cho một ca mổ đục thủy tinh thể (chỉ đục một bên mắt) sẽ giao động từ 4 triệu – 60 triệu đồng. Nhiều bạn hỏi chi phí 4 triệu cho một ca mổ có phải là quá thấp? Trên thực tế, 4tr là hợp lí do đây là chi phí mổ cho 1 mắt và lắp TTT nhân tạo đơn tiêu cự, nếu người bệnh khám đúng tuyến và có BHYT. Các bệnh viện tuyến tỉnh đều mổ được các ca này. Bên cạnh đó, chi phí mổ đã bao gồm phí trả cho bác sỹ – do bác sỹ đã hưởng lương từ bệnh viện. Đó là lí do sau ca mổ người nhà bệnh nhân hay đưa thêm bao thư cho bác sỹ để bồi dưỡng. Chỉ khi bệnh nhân chỉ định bác sỹ phẫu thuật thì mới trả thêm nữa.

Hiện nay, nếu bạn có tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), bạn sẽ được bảo hiểm chi trả một phần khi mổ đục thủy tinh thể. Cụ thể, bạn sẽ được hỗ trợ thanh toán từ 2 – 5 triệu đồng khi mổ Phaco và từ 1 – 3 triệu đồng khi lắp thấu kính nhân tạo.

Nếu khám và điều trị đúng tuyến, bạn sẽ được hưởng 80% – 100% khoản hỗ trợ trên; còn nếu sai tuyến/vượt tuyến sẽ chỉ được khoảng 30 – 60% chi phí phẫu thuật. Do vậy, nếu muốn tiết kiệm tối đa chi phí, bạn nên tham gia bảo hiểm y tế ngay, đồng thời nên đi khám và mổ đục thủy tinh thể đúng tuyến nhé.

Hy vọng những thông tin tổng quan về đục thủy tinh thể trong bài viết sẽ giúp bạn có thêm nguồn tham khảo về bệnh lý này cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc phẫu thuật, đồng thời biết cách chăm sóc và bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của mình thật hiệu quả.

Giới thiệu: Rohto Nhật Bản

Nước nhỏ mắt Rohto Nhật Bản Vitamin hỗ trợ mắt mỏi yếu chống cận thị. Sản phẩm giúp:
+ Tăng cường sức khỏe vùng mắt, giảm tình trạng mỏi mắt
+ Thúc đẩy quá trình trao đổi chất cho mắt và cải thiện mệt mỏi mắt
+ Bảo vệ các bề mặt góc cạnh mắt, làm giảm các triệu chứng mệt mỏi liên quan đến mắt.
+ Hỗ trợ phòng các bệnh về mắt do tác nhân môi trường như máy tính, bơi lội, khói bị
+ Mang lại cảm giác dễ chịu, mát mẻ làm cho đôi mắt đang bị mệt mỏi cảm thấy tươi tỉnh và khỏe

Bình luận bài viết này

0 Chia Sẻ
Chia Sẻ
Chia Sẻ
Ghim