Hiện nay y học vẫn chưa tìm ra cách điều trị dứt điểm cho bệnh giác mạc hình nón (giác mạc hình chóp, tiếng anh là Keratoconus) vì đây là một căn bệnh về mắt có thể theo bệnh nhân đến suốt đời. Tuy nhiên, may mắn thay, hầu hết các trường hợp bị giác mạc hình nón đều có thể kiểm soát thành công được.
Đối với bệnh giác mạc hình chóp mức độ nhẹ cho đến trung bình, bạn có thể sử dụng kính áp tròng scleral được làm bằng vật liệu thấu kính thấm khí cứng tiên tiến. Loại lens này thường lớn hơn so với thấu kính thấm khí (GP) tiêu chuẩn, giúp cải thiện tầm nhìn rõ ràng và thoải mái hơn.

Nếu bạn bị bệnh giác mạc hình nón mức độ nặng, khả năng cao bạn sẽ phải thực hiện phẫu thuật cross-linking giác mạc (CXL). Đây là một thủ thuật không xâm lấn, giúp củng cố và ổn định giác mạc mỏng, có hình dạng bất thường. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này không thể chữa khỏi được bệnh giác mạc hình nón. Nói cách khác, nó chỉ giúp tăng cường sự dẻo dai và ổn định lại giác mạc, nhưng không thể đưa giác mạc phục hồi lại trạng thái bình thường. Thậm chí, bệnh giác mạc hình nón vẫn có nguy cơ trở nên xấu đi sau phẫu thuật. Ngoài ra, sau khi thực hiện phẫu thuật cross-linking giác mạc, bạn cần phải sử dụng thêm kính áp tròng scleral hoặc một số loại kính tiếp xúc khác để điều chỉnh thị lực.

Đối với những trường hợp bị bệnh giác mạc hình nón ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải thực hiện cấy ghép giác mạc (tạo hình giác mạc).

Việc kiểm soát thành công được bệnh giác mạc hình chóp hay không (kể cả sau khi phẫu thuật) còn đòi hỏi bệnh nhân phải thăm khám mắt định kỳ hàng năm. Ngoài ra, khi mắc phải căn bệnh này, bạn nên tránh dụi mắt vì nó có thể làm bệnh trầm trọng hơn.