Contents
Cấy ghép giác mạc là gì?
Cấy ghép giác mạc là một thủ tục phẫu thuật trong đó một giác mạc bị tổn thương hoặc bị bệnh được thay thế bằng mô giác mạc được hiến tặng.
Có hai loại cấy ghép giác mạc chính:
– Ghép giác mạc xuyên PK: Phương pháp phẫu thuật truyền thống này được sử dụng nếu toàn bộ độ dày của giác mạc bị tổn hại, yêu cầu phải phẫu thuật ghép toàn bộ chiều dày giác mạc.
– Ghép giác mạc nội mô EK: phẫu thuật thay thế lớp trong cùng (hay còn gọi là lớp nội mô) của giác mạc.
Bệnh nhân sẽ được loại bỏ phần trung tâm giác mạc tổn thương gây ra bởi bệnh tật hay chấn thương mắt và thay thế bằng phần giác mạc khoẻ mạnh của người hiến. Một giác mạc yếu gây ra tán xạ ánh sáng, biến dạng ánh sáng làm thị lực bị mờ và tạo ánh sáng chói. Khi đó, ghép giác mạc trở nên cần thiết trong việc khôi phục các chức năng thị lực của bệnh nhân.
Các bệnh giác mạc là nguyên nhân gây mù loà phổ biến thứ tư (chỉ sau đục thuỷ tinh thể, cườm nước và thoái hoá điểm vàng) và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hơn 10 triệu người trên khắp thế giới. (*)
Những ai cần thực hiện cấy ghép giác mạc?
Một thị lực khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường là điều kiện tiên quyết cho một tầm nhìn tốt. Một giác mạc bị tổn thương do bệnh tật hay chấn thương sẽ dẫn đến đau đớn và những biến dạng thị lực nghiêm trọng.
Ghép giác mạc cũng phù hợp với các trường hợp dù sử dụng kính mắt và kính áp tròng nhưng tầm nhìn không được hồi phục, hoặc những sưng tấy ở mắt xuất hiện và không xuyên giảm sau khi sử dụng thuốc hay dùng kính áp tròng đặc biệt.

Dưới đây là một số tình trạng có thể gây ảnh hưởng tới chức năng giác mạc:
– Sẹo do nhiễm trùng, gây ra bởi viêm kết mạc herpes hay nấm giác mạc;
– Sẹo do bệnh lông xiên, khiến lông mi mọc ngược vào trong mắt và gây cọ xát với giác mạc;
– Bệnh di truyền như loạn dưỡng giác mạc Fuchs;
– Bệnh hiếm như giác mạc hình chóp (keratoconus);
– Giác mạc bị mỏng và hình dạng giác mạc bất thường;
– Giác mạc bị bỏng hóa chất hoặc bị tổn thương do chấn thương;
– Sưng mủ giác mạc trong một thời gian dài;
– Biến chứng do lần cấy ghép giác mạc trước đó;
– Tổn thương giác mạc bởi biến chứng của phẫu thuật đục thuỷ tinh thể;
Điều kiện thực hiện cấy ghép giác mạc
Cấy ghép giác mạc được thực hiện để cải thiện chức năng thị giác và tăng cường thị giác. Chúng làm giảm thiểu những khó chịu, đau đớn gây ra bởi bệnh tật và tổn thương của mắt.

Và dưới đây là một số yếu tố bạn nên cân nhắc trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật cấy ghép giác mạc:
1. Khả năng thị lực có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc hay hoạt động thường ngày không?
2. Chức năng thị lực có thể được phục hồi với các biện pháp thay thế đặc biệt và ít xâm lấn khác không?
3. Khả năng tài chính có đủ để chi trả cho kính phí phẫu thuật cấy ghép giác mạc không?
4. Thời gian hồi phục kéo dài rất lâu (từ 6 tháng đến một năm tùy từng trường hợp) có làm ảnh hưởng tới học tập, công việc của bạn?
Kết hợp những câu hỏi trên với một cuộc trao đổi chi tiết với bác sĩ phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân đưa ra những quyết định cuối cùng liệu mình có phù hợp với phương pháp cấy ghép giác mạc hay không.
Trước khi phẫu thuật cấy ghép giác mạc

Quá trình tiền phẫu thuật sẽ kéo dài khá lâu (từ vài ngày đến vài tuần) cho đến khi các bác sĩ tìm được người hiến giác mạc có các biểu mô giác mạc phù hợp với từng bệnh nhân.
Trước khi giác mạc hiến tặng được sử dụng trong phẫu thuật cấy ghép, các bác sĩ phải đảm bảo nó đã được kiểm tra độ trong và sự hiện diện (nếu có) của một số bệnh như viêm gan, AIDs,… theo tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt đã được quy định.
Chỉ có những giác mạc hiến tặng đáp ứng đủ tất cả các điều kiện nghiêm ngặt trên mới được chấp nhận sử dụng trong phẫu thuật để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người nhận ghép.
Quá trình phẫu thuật cấy ghép giác mạc
Phẫu thuật có thể thực hiện dưới dạng gây mê cục bộ hoặc gây mê toàn bộ tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi tác, mức độ tổn thương của mắt và mong muốn của bệnh nhân.

Nếu là gây mê cục bộ, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc mê vào vùng da quanh mắt để thả lỏng các cơ kiểm soát các cử động chớp hay di chuyển của mắt. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê để giảm đau đớn khi thực hiện thủ tục cấy ghép giác mạc. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật và hầu hết không nhận thấy bất kỳ khó chịu hay đau đớn nào ở mắt sau khi phẫu thuật.
Sau khi thuốc mê đã phát huy tác dụng, các bác sĩ sử dụng một dụng cụ hỗ trợ gọi là “chân vịt” để giữ cho mí mắt mở. Bác sĩ sẽ đo độ rộng của giác mạc bị tổn thương để xác định kích thước mô ghép. Với kích thước ghép lớn hơn 8mm thì khả năng xảy ra biến chứng trong và sau phẫu thuật sẽ lớn hơn (chẳng hạn tăng nhãn áp, phản ứng miễn dịch). Ghép với đường kính nhỏ hơn 7mm thì khả năng loạn thị sau mổ sẽ cao hơn.
Ghép giác mạc xuyên PK truyền thống:
Phương pháp cấy ghép giác mạc này sẽ mất khoảng từ một đến hai tiếng. Các bác sĩ sử dụng tia laser femto hoặc một chiếc khoan vi phẫu để cắt xuyên và loại bỏ toàn bộ độ dày của giác mạc có bệnh lý hoặc bị chấn thương.
Sau đó, một mảnh ghép giác mạc lấy từ người hiến có kích thước tương đồng được định vị lên nền ghép và khâu cố định bằng chỉ siêu mảnh. Chỉ khâu sẽ được giữ lại khoảng một đến hai năm sau phẫu thuật.
Cuối cùng, một lớp dung dịch sẽ được nhỏ lên nhãn cầu nhằm hạn chế tình trạng viêm nhiễm và đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra bình thường.
Ghép giác mạc nội mô EK:
Trong một thập kỷ qua, một phiên bản mới hơn của cấy ghép giác mạc đã được phát triển để điều chỉnh thị lực cho những tình trạng giác mạc nhất định.
Ghép giác mạc EK chỉ thay thế lớp trong cùng của giác mạc (nội mạc) và bảo toàn các mô giác mạc khỏe mạnh và nguyên vẹn. Lớp nội mạc kiểm soát sự cân bằng chất lỏng trong giác mạc, nên giác mạc sẽ bị viêm sưng và ảnh hưởng tới thị lực nếu lớp nội giác mạc bị tổn thương.
Trong phẫu thuật EK, các bác sĩ chỉ tạo một vết mổ nhỏ và đưa mảnh ghép giác mạc (là lớp tế bào nội mô khỏe mạnh lấy từ người hiến) vào mặt sau của giác mạc. Lớp nội mô được được cố định trên nền ghép bởi một bóng khí. Vết rạch nhỏ sẽ tự lành và thường không cần mũi khâu.
Những ai có thể hiến giác mạc?

Bao nhiêu tuổi thì quá già để hiến tặng giác mạc?
Khoảng một thập kỷ trước, các bác sĩ phẫu thuật mắt sẽ từ chối giác mạc hiến tặng từ những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người trong độ tuổi 34 – 71 với điều kiện mắt bình thường vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Hiệu quả phẫu thuật đều kéo dài sau 10 năm với tỷ lệ thành công là 75%.
Tuy nhiên, bởi giác mạc được hiến tặng bởi những người dưới 34 tuổi thường đem lại kết quả tốt hơn trong phẫu thuật cấy ghép giác mạc, nên người trẻ tuổi vẫn được khuyến nghị nên nhận những giác mạc trẻ hơn.
Hồi phục hậu phẫu thuật
Toàn bộ quá trình hồi phục ghép giác mạc có thể kéo dài khoảng một năm hoặc lâu hơn, tuỳ thuộc vào phương pháp phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu thuật. Ban đầu, thị lực có thể bị mờ, trong nhiều trường hợp tầm nhìn kém hơn trước khi phẫu thuật, nhưng tình trạng này sẽ biến mất khi mắt đã làm quen với giác mạc mới. Thị lực sẽ cải thiện dần và trong vòng một đến hai tuần bệnh nhân có thể quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhỏ thuốc chứa steroid, corticoid (được chỉ định khi có nguy cơ thải ghép) và thuốc tăng cường dinh dưỡng giác mạc trong vòng vài tháng đầu tiên để mắt nhanh thích ứng với mảnh ghép giác mạc mới và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, sưng tấy.
Đối với phẫu thuật ghép giác mạc có sử dụng chỉ khâu, chỉ thường được cắt sau khoảng 3 đến 17 tuần hậu phẫu thuật, tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ hồi phục của mắt. Trong trường hợp các dấu hiệu của loạn thị xuất hiện do bề mặt mắt không đồng đều, các bác sĩ sẽ thực hiện một số điều chỉnh nhỏ cho các vết khâu xung quanh mô giác mạc mới.
Như với bất kỳ loại phẫu thuật nào, bệnh nhân luôn phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật để giảm thiểu các biến chứng và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Thải ghép giác mạc là gì?
Cấy ghép giác mạc là một loại hình phẫu thuật phổ biến và có tỉ lệ thành công cao. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ thủ thuật nào, nó cũng đi kèm với những rủi ro nhất định.
Thải ghép giác mạc là hiện tượng hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện, tấn công và cố gắng tiêu diệt vật thể lạ (mảnh giác mạc mới ghép). Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra sau phẫu thuật (xảy ra với khoảng 5-30% số bệnh nhân), thường gặp hơn ở phẫu thuật ghép xuyên.
Những bệnh nhân có tiền sử bị cườm nước và sưng giác mạc do phẫu thuật thuỷ tinh thể có nguy cơ thải ghép giác mạc cao hơn so với những người bình thường.

Dưới đây là một số biểu hiện ban đầu của thải ghép giác mạc:
– Mắt tấy đỏ
– Cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng
– Thị lực suy giảm
– Đau mắt
Các dấu hiệu thải ghép giác mạc sẽ biểu hiện trong vòng vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau phẫu thuật. Các bác sĩ mắt có thể khắc phục hiệu quả biến chứng này với tỷ lệ hồi phục 90% nếu chúng được phát hiện và điều trị sớm. Trong trường hợp cấy ghép giác mạc thất bại, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật lại và thông thường đều có kết quả tốt.
Giác mạc nhân tạo và giác mạc sinh tổng hợp

Phương pháp cấy ghép giác mạc thông thường luôn là lựa chọn hàng đầu cho các bệnh nhân muốn thay thế giác mạc bị tổn thương với tỷ lệ thành công cao nhất. Tuy nhiên, với những trường hợp có nguy cơ thất bại cao (chẳng hạn như do đã cấy ghép nhiều lần) thì phương pháp thông thường không được tiến hành. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ sử dụng các mô giác mạc nhân tạo để cấy ghép.
Giác mạc nhân tạo được làm từ vật liệu trơ về mặt sinh học và dành cho các đối tượng bệnh nhân mắc: các bệnh tự miễn dịch nặng; bỏng hóa chất; không tìm được giác mạc hiến tặng phù hợp hoặc không thành công trong những lần cấy ghép trước đó.
Giác mạc sinh tổng hợp là một loại giác mạc nhân tạo đang được nghiên cứu trong khoảng thời gian gần đây. Kết quả từ một thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng giác mạc sinh tổng hợp tạo ra từ gen người có thể điều chỉnh việc sản xuất collagen tự nhiên và tái tạo, sửa chữa mô mắt bị tổn thương.
Mặc dù lĩnh vực giác mạc sinh tổng hợp vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng với nghiên cứu chuyên sâu hơn, phương pháp này sẽ là một phương án hiệu quả với các trường hợp giác mạc hiến tặng không phù hợp hoặc không có sẵn.