Nhật thực là một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng muốn xem. Tuy nhiên nếu bạn xem nhật thực bằng mắt thường thì các mô và tế bào giác mạc sẽ bị phá hủy dẫn đến suy giảm thị lực hoặc thậm chí mù loà. Vì thế, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách xem nhật thực sao cho an toàn nhất mà không làm ảnh hưởng xấu đến thị lực của bạn.
Contents
Nhật thực là gì?

Nhật thực xảy ra khi khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời và che khuất hoàn toàn mặt trời (nhật thực toàn phần) hay một phần mặt trời (nhật thực bán phần) trong một khoảng thời gian nhất định.
Xem nhật thực thế nào để tránh những thương tổn cho mắt?
Dùng kính xem nhật thực như thế nào để bảo vệ đôi mắt bạn tốt nhất?
Ai cũng biết muốn xem nhật thực thì phải dùng kính nhưng đó phải là một loại kính chuyên dụng để xem nhật thực chứ không phải kính mắt chúng ta đeo hàng ngày. Nếu bạn lên google gõ “cách làm kính xem nhật thực” thì có tới 116 triệu kết quả trả về chứng tỏ nhiều người tự làm kính để có thể xem nhật thực. Tuy nhiên chúng tôi không khuyến khích bạn làm điều này!

Việc sử dụng các loại dụng cụ tự chế để xem nhật thực có thể khiến võng mạc mắt của bạn bị bỏng dẫn đến khả năng mất thị lực vĩnh viễn. Nếu bạn không có nhiều tiền, bạn có thể mua một cặp kính xem nhật thực tropical eclipse được bán trên shopee với giá khá rẻ. Loại kính này có khung và gọng làm bằng bìa giấy cứng với chức năng lọc các bức xạ nguy hiểm từ mặt trời.
Nếu bạn có điều kiện hơn thì nên tìm mua các loại kính chuyên dụng xem nhật thực được chứng nhận. Đây được xem là giải pháp tốt nhất nhằm ngăn ngừa tình trạng tổn thương võng mạc đồng thời bảo vệ đôi mắt bạn trước các tia bức xạ có hại từ mặt trời. Khi mua loại kính này bạn nhớ kiểm tra các thông số in trên kính. Theo đó ISO 12312-2 là tiêu chuẩn quốc tế mà bất kì chiếc kính nào cũng phải đáp ứng được. Trên thị trường có rất nhiều nơi bán loại kính này, hãy kiểm tra thật cẩn thận để tìm ra nơi bán uy tín bạn nhé. Có như thế thì mới an tâm mà xem nhật thực được chứ.
Mẹo hay mách bạn cách để xem nhật thực an toàn
Theo hiệp hội thiên văn học Việt Nam, bạn nên kiểm tra kính cẩn thận trước khi dùng để ngăn ngừa tính huống đáng tiếc có thể xảy ra. Cách kiểm tra tốt nhất là bạn hãy đeo kính và dùng đèn có ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt kính xem có bị lọt một tia sáng nào vào hay không. Ngoài ra bạn cần lưu ý một số điểm sau:

- Nếu bạn phát hiện có vết trầy, xước, vết rách, thủng hay những hư hại khác trên tròng kính thì đừng vì tiếc tiền mà cố dùng kính đó nếu không muốn “tiền mắt tật mang” nhé.
- Luôn hướng dẫn trẻ em trong gia đình thật kĩ càng khi sử dụng kính vì trẻ chưa nhận thức được như người lớn.
- Bạn hoàn toàn có thể vừa đeo kính cận vừa dùng kính chuyên dụng để quan sát nhật thực được không vấn đề gì cả.
Đối với thợ săn ảnh hay những ai mê chụp ảnh các hiện tượng thiên nhiên, hiệp hội thiên văn học Việt Nam cũng đưa ra những mẹo dưới đây:

- Không nhìn trực tiếp vào mặt trời thông qua những thiết bị không có chức năng lọc ánh sáng như ống kính máy ảnh, kính viễn vọng, ống nhòm hoặc những dụng cụ khác.
- Không dùng kính xem nguyệt thực để xem nhật thực. Nguyên nhân là vì tia bức xạ tập trung từ mặt trời sẽ xuyên qua tròng kính đồng thời phá hủy chức năng lọc của kính xem nguyệt thực rồi tấn công trực tiếp vào mắt và gây ra chấn thương nghiêm trọng cho đôi mắt bạn.
- Nhờ hướng dẫn từ các chuyên gia thiên văn học trước khi dùng bộ lọc Solar filter kết hợp với kính thiên văn, ống nhòm, ống kính máy ảnh, hay các thiết bị khác. Bộ lọc này có dạng hình tròn lớn có khả năng lọc hầu hết các bức xạ từ mặt trời. Loại filter này cần được lắp đặt phía trước của ống kính thiên văn hoặc máy ảnh để ngăn bớt bức xạ mặt trời.
Cách xem nhật thực an toàn
Cách an toàn nhất để xem nhật thực tất nhiên là trang bị cho mình một cặp kính chuyên dụng. Tuy nhiên, chẳng may bạn quên đặt hàng hay đợi mãi mà kính chưa được giao tới thì sao? Thế thì đành tìm những cách khác chứ chẳng lẽ bỏ xem nhật thực đúng không bạn? Dưới đây là một số cách bạn có thể thử để thay thế kính xem nhật thực.
Làm một cái máy chiếu

Tự chế một cái máy chiếu? nghe qua có vẻ phức tạp, song bạn chỉ cần một cái thùng giấy hình chữ nhật, giấy bạc, băng keo, kim ghim và một tờ giấy trắng là đã có thể làm ra máy chiếu rồi đấy. Trước tiên, bạn cắt một cái lỗ tròn đường kính khoảng 2.5cm ở phần nắp thùng, sau đó dùng băng keo dán giấy bạc lên lỗ. Bước tiếp theo là dùng kim ghim chọc một cái lỗ nhỏ trên lớp giấy bạc. Sau đó bạn hướng tấm nhôm đục lỗ về phía mặt trời. Ở mặt trong của đáy thùng, bạn hãy dán một miếng giấy trắng đối diện miếng giấy nhôm. Cuối cùng, bạn khoét một lỗ đủ để đưa đầu vào ở một mặt bên của thùng và bạn sẽ thấy hình ảnh nhật thực hiện ra ở tờ giấy trắng.
Bạn có thể tham khảo cách làm trong bài viết tiếng Anh ở đây. (hãy dùng google dịch nếu cần)
Máy chiếu kim ghim là cách xem nhật thực không tốn kém, đơn giản và dễ làm đồng thời bảo vệ mắt bạn khỏi chấn thương không cần thiết. Đây là cách xem nhật thực khá thú vị nếu bạn xem nhật thực với bạn bè mình và mỗi người tự làm một máy chiếu như thế này.
Xem nhật thực từ bàn tay

Để áp dụng kỹ thuật này, bạn giơ hai tay lên cao và đặt các ngón tay của bàn tay trái lên trên các ngón của bàn tay phải hoặc theo cách ngược lại tùy bạn chọn. Sau đó, bạn mở hé các ngón tay để tạo ra mô hình lưới hay còn gọi là mô hình bánh quế. Hướng lưng bạn về phía mặt trời, nhìn vào bóng của mặt trời được phản chiếu xuống đất thông qua các ngón tay bạn. Khoảng hở giữa các ngón tay sẽ đóng vai trò như một tấm lưới và phản chiếu hình ảnh mặt trăng hình bán nguyệt trong suốt quá trình bạn xem nhật thực một phần.
Video: Hướng dẫn chế thiết bị quan sát nhật thực an toàn:
Xem nhật thực với lá cây
Bạn cũng có thể thử đứng dưới bóng cây và quay lưng về phía mặt trời để xem nhật thực một phần. Khi đó bạn sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của mặt trăng hình bán nguyệt trên mặt đất thông qua khoảng trống giữa các tán lá trên cây.
Khi nào lần nhật thưc tiếp theo sẽ diễn ra tại Việt Nam?

Tháng 6/2020 được đánh giá là thời điểm quy tụ nhiều hiện tượng thiên văn thú vị. Cư dân tại một số nước khu vực châu Phi và châu Á đã được quan sát hiện tượng nhật thực hình khuyên đầu tiên của thập kỷ, hay còn được biết đến với cái tên Ring Of Fire (Vòng khuyên lửa) vào ngày 21/6/2020. Tuy Việt Nam không nằm trong khu vực có thể quan sát được nhật thực hình khuyên, người dân cả nước vẫn có cơ hội quan sát sự kiện nhật thực một phần diễn ra trong gần 3 giờ đồng hồ. Được biết, phải mất tới 11 năm nữa sự kiện vòng khuyên lửa mới quay lại.
Lần nhật thực tiếp theo mà người dân Việt Nam có thể quan sát được sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 8 năm 2027. Đây là hiện tượng nhật thực toàn phần, nhưng tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần với độ che khuất không quá 16%. Hiện tượng này sẽ bắt đầu vào cuối giờ chiều và kéo dài khoảng 30 phút trước khi Mặt Trời lặn.
Sau đó, vào ngày 22 tháng 7 năm 2028, sẽ có một lần nhật thực toàn phần khác. Tại Việt Nam, ngoại trừ các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc, phần còn lại của đất nước sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ che khuất cao nhất khoảng 35% tại Cà Mau. Hiện tượng này sẽ bắt đầu vào khoảng 7 giờ 40 phút sáng và kéo dài khoảng hai tiếng.
Đặc biệt, vào ngày 11 tháng 4 năm 2070, Việt Nam sẽ trải qua một lần nhật thực toàn phần. Thành phố Kon Tum và thành phố Quảng Ngãi là hai địa điểm nằm trong vùng quan sát được nhật thực toàn phần.