Sở hữu một đôi mắt sáng là món quà quý giá mà tạo hoá đã ban tặng cho bạn. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều nhiều người vẫn coi đó là một điều hiển nhiên mà không hề biết trân trọng đôi mắt sáng của mình.
Hãy thử tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu như một ngày tầm nhìn của bạn bỗng nhiên biến mất mà không có loại kính mắt, kính áp tròng hay phẫu thuật điều chỉnh khúc xạ nào có thể chữa trị giúp bạn được? Chắc hẳn mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều và cuộc sống của bạn sẽ bị đảo lộn tất cả. Thế nhưng, đây lại chính là cuộc sống hiện thực của những người bị khiếm thị.
Người “khiếm thị” là những người đã mất đi một phần khả năng thị giác nhưng không phải là mù hoàn toàn. Họ vẫn có thể nhận dạng được các hình dạng và màu sắc chung chung. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa những người bị “khiếm thị” và những người bị “mù lòa vĩnh viễn”.
Các nguyên nhân gây ra khiếm thị rất đa dạng, có thể kể đến như: do di truyền, do các chấn thương mắt và các bệnh lý về mắt như bệnh tăng nhãn áp hay thoái hoá điểm vàng. Cho dù nguyên nhân có là gì thì những người khiếm thị nói chung đều phải chịu một cảm giác: đó là sự bất lực và cảm thấy cô lập với phần thế giới còn lại. Đã đến lúc chúng ta phải làm gì đó để giúp đỡ những người khiếm thị vượt qua được những khó khăn và mặc cảm trong cuộc sống.
Contents
Làm cách nào để có thể giúp đỡ những người bị khiếm thị?
Nếu bạn có một người bạn, một thành viên gia đình hay đơn giản là một người quen là người khiếm thị, dưới đây là các lời khuyên hữu ích mà bạn nên lưu ý để có thể giúp đỡ họ đúng cách:
Giúp họ sử dụng các thiết bị hỗ trợ tầm nhìn:
Hiện nay, với những thiết bị hỗ trợ tầm nhìn vô cùng thông minh và tiện lợi, những người khiếm thị có thể tận dụng được một cách tối đa khả năng thị lực của mình và làm được những điều tưởng chừng như không thể.

Hãy giới thiệu thêm cho họ về những thiết bị như kính lúp tùy chỉnh phục vụ tầm nhìn gần, ứng dụng giọng nói tự động cho những người sử dụng máy tính hay kính phóng đại điện tử gắn cố định trên đầu để nhìn các vật ở xa. Ngoài ra, gậy chỉ đường cũng là một trợ thủ đắc lực cho những người khiếm thị khi phải đi bộ. Gậy sẽ giúp họ điều hướng và tránh các vật thể khó quan sát ở phía trước, giảm thiểu các tai nạn vấp ngã nguy hiểm.
Bạn cũng có thể giúp đỡ những người bị khiếm thị bằng cách giúp họ sắp xếp lịch các buổi khám mắt. Qua đó, họ có thể nhận được sự kiểm tra tận tình và sự chỉ dẫn kỹ lưỡng của các bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ trong việc lựa chọn những thiết bị quang học bổ trợ tốt nhất tuỳ theo tình trạng mắt và độ nghiêm trọng của từng người.
Thông thường, một buổi khám mắt cho người khiếm thị không giống với các bài kiểm tra mắt thông thường. Khám khiếm thị thường yêu cầu nhiều lần tái khám hơn so với khám mắt định kỳ, bởi qua nhiều lần thử nghiệm, các bác sĩ mới có thể tìm ra được phương tiện hỗ trợ thị lực phù hợp nhất với từng trường hợp cụ thể.
Hơn nữa, trong các buổi khám mắt, các bác sĩ chuyên khoa còn cung cấp cho bệnh nhân rất nhiều các thông tin, bí kíp hữu ích, giúp các hoạt động thường ngày trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn như: sử dụng sách nói, sách in khổ lớn; sử dụng điện thoại, đồng hồ,… có kích cỡ lớn hơn,…
Điều chỉnh môi trường sống cho người khiếm thị:
Một vài sự điều chỉnh không đáng kể xung quanh khu vực sống có thể giúp những người khiếm thị cải thiện tầm nhìn và giảm thiểu được nguy cơ té ngã:

1. Hãy đảm bảo rằng không gian trong nhà được chiếu sáng tốt, phân bố đều trong toàn bộ phạm vi ngôi nhà. Đặc biệt là ở những khu vực qua lại nhiều như nhà bếp, phòng tắm và nơi làm việc, hãy đảm bảo đèn điện được lắp đặt đầy đủ và mức sáng hợp lý.
2. Loại bỏ những vật dụng không cần thiết trong nhà.
3. Tạo một danh sách những số điện thoại quan trọng được in nổi hoặc in khổ lớn, bao gồm của bác sĩ, phương tiện di chuyển, liên lạc khẩn cấp. Ngoài ra, hãy nhớ đặt chúng ở một nơi dễ nhìn thấy nhất.
4. Đánh dấu những khu vực có cầu thang hoặc có dốc bằng băng dính có màu sắc nổi bật, có độ tương phản cao với sàn nhà xung quanh.
5. Sử dụng những màn hình tivi có kích thước lớn và hình ảnh có độ tương phản cao.
Giúp đỡ người khiếm thị trong các hoạt động mua sắm:
Di chuyển qua lại và tham gia giao thông là các nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với những người bị khiếm thị. Vì vậy, việc giúp đỡ họ trong các hoạt động mua sắm là một điều rất cần thiết.

Để hoạt động mua sắm diễn ra một cách thuận lợi nhất, bạn nên lập sẵn các danh sách mua sắm trước đó và giúp họ định vị các mặt hàng mà họ muốn mua ở cửa hàng. Hãy khuyến khích họ tự thực hiện các nhiệm vụ mua sắm càng nhiều càng tốt trong khi đảm bảo bạn vẫn ở gần để giúp đỡ khi cần thiết.
Vận dụng một số kĩ năng khi đi du lịch cùng người khiếm thị:
Khi đi du lịch với người khiếm thị, bạn hãy giúp họ định hướng và ứng phó với những tình huống phải ở một mình. Điều quan trọng nhất bạn là phải giải thích một cách chi tiết cho họ về các phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, tàu điện hay taxi.

Ngoài ra, bạn nên khuyến khích họ đặt câu hỏi và lên tiếng yêu cầu giúp đỡ khi họ phải ở một mình, từ đó giúp xóa bỏ sự cô đơn và mặc cảm về bản thân.
Khi đi bộ cùng với những người khiếm thị, hãy cố gắng đi trước họ vài bước và giảm với tốc độ di chuyển để tránh việc họ không theo kịp. Bằng cách này, họ có thể định hướng dễ dàng hơn hướng đi dựa trên tiếng bước chân cũng như hình dáng của bạn ở phía trước. Hơn nữa, mỗi khi đến gần khu vực có bậc thang, đoạn dốc,… hãy nhớ thông báo cho họ trước, bởi những người bị khiếm thị rất khó nhận dạng những chi tiết nhỏ.
Cuối cùng, bạn nên hiểu rằng mỗi một người khác nhau sẽ có những tình trạng mắt riêng biệt. Chẳng hạn như một người bị khiếm thị do bệnh cườm nước thường gặp khó khăn với tầm nhìn ở vùng ngoại vi của mắt. Điều quan trọng cần có ở đây là sự quan tâm và hứng thú học hỏi thêm. Có như vậy, bạn mới có thể hiểu rõ hơn về vấn đề tầm nhìn cụ thể của họ và tìm được cách giúp đỡ phù hợp nhất.